Trung Quốc thể hiện rõ sự bất bình với vai trò của đồng đô la Mỹ (USD) trong nền kinh tế quốc tế và có ý định quốc tế hóa đồng NDT như một loại tiền tệ quốc tế thay thế.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của 120 quốc gia. Do đó, việc đồng NDT của nước này đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế quốc tế là điều không thể tránh khỏi.
Đến nay, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Ví dụ, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới thay thế (CIPS) để cạnh tranh với Fedwire của Mỹ và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House.
Alipay và Tencent pay của Trung Quốc cũng đã được áp dụng rộng rãi ở nước ngoài. Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã thử nghiệm mạng Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số, hệ thống này có khả năng đẩy nhanh việc sử dụng NDT trên phạm vi quốc tế.
Argentina chọn đồng NDT để giải quyết một phần khoản nợ của mình với IMF lần đầu tiên vào ngày 2/7, gia nhập vào nhóm nước đang mở rộng thị phần của đồng NDT trong nền kinh tế trong khi giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Ngân hàng Trung ương Argentina cũng tuyên bố sẽ cho phép các tổ chức tài chính sử dụng đồng NDT làm tiền tệ cho tiền gửi của các cá nhân và pháp nhân. Các tổ chức tài chính sẽ có thể mở cả tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm bằng đồng tiền Trung Quốc.
Tháng trước, Pakistan lần đầu thanh toán bằng đồng NDT cho hợp đồng nhập khẩu dầu với Nga.
Tại Nga, đồng NDT cũng ngày càng trở nên phổ biến. Hơn 70% thanh toán thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng rúp của Nga và đồng NDT và nhiều quốc gia đang kêu gọi giao dịch bằng đồng tiền của họ.
Nhiều đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như Saudi Arabia cũng đang xem xét việc định giá một số lượng dầu bán ra bằng NDT.
Một số chuyên gia cho rằng, việc ngày càng có nhiều quốc gia chuyển hướng sang đồng NDT sẽ khiến quá trình quốc tế hóa đồng tiền của Trung Quốc tăng tốc và việc sử dụng đồng tiền này trên thị trường quốc tế cũng sẽ mở rộng.
Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa NDT của Trung Quốc vẫn còn một số hạn chế. Theo dữ liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), các giao dịch bằng NDT chiếm chưa đến 1,5% vào tháng 12/2022 - nhiều hơn một chút so với các giao dịch bằng đô la Australia và thấp hơn các giao dịch bằng đồng franc Thụy Sĩ.
Điều này đặt NDT ở vị trí thứ 7 trong số các loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán toàn cầu. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ chiếm gần 48% trong tổng số giao dịch toàn cầu.