Tiêu điểm: Nhân Humanity

Du lịch TPHCM khó khăn, nhưng không bế tắc - Bài 1: Khó khăn chồng chất khó khăn

(VOH) - Du lịch TPHCM đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng trên thế giới.

Trong khi dịch Covid-19 vừa có dấu hiệu chựng lại ở Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản và 1 số nước khác đang bùng phát dịch bệnh với tốc độ khá nhanh. Điều đáng nói đây là những quốc gia có khách đến du lịch tại Việt Nam nói chung và TPHCM chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng sản lượng khách nước ngoài. Một bài toán nan giải cho ngành du lịch Thành phố vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Thực tế ra sao, giải pháp như thế nào trong thời phòng chống dịch Covid-19 cũng như ngay sau khi hết dịch là nội dung được Phóng viên VOH đề cập trong loạt bài “Du lịch TPHCM khó khăn, nhưng không bế tắc”.

Bài 1: “Khó khăn chồng chất khó khăn”

du lịch TPHCM

Lượng khách du lịch tới TPHCM giảm mạnh trong tháng 2/2020 (Ảnh: LH)

Doanh thu giảm từ 40-60%

Tháng 1/2020, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 840.100 lượt khách, tăng 5.9% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch ước đạt 13.027 tỷ đồng, tăng 0,4 % so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số ấn tượng và đạt kỷ lục của Du lịch TPHCM từ trước đến nay và hứa hẹn sẽ có một năm bội thu cho ngành.

Thế nhưng tất cả đã đảo chiều ngay trong tháng 2, khi dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc. Cụ thể, khách du lịch đến TPHCM bằng đường hàng không tháng 2/2020 đã giảm 28,35% so với tháng 1/2020 và giảm 22,72% so với cùng kỳ.

Điều đáng nói, khi xảy ra tình hình dịch bệnh Covid-19, tình trạng khách hủy các chương trình đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, hủy các chương trình tham quan du lịch... là rất phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành lao đao.

Theo đánh giá sơ bộ, doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành ước tính giảm từ 40 - 60% trong tháng 2 và quý I năm 2020. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp du lịch kinh doanh thị trường Trung Quốc thì giảm mạnh từ 80 – 90%, thậm chí 100%.

Với hơn 40 năm hoạt động trong ngành bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình chưa bao giờ chứng kiến tình cảnh khó khăn như hiện nay. “Đối với thị trường Trung Quốc, công ty giảm 100% doanh thu, còn các thị trường khác thì giảm 80%. Riêng thị trường outbound cũng gặp khó khăn khi trong tháng 3 này sẽ giảm khoảng 50%” – bà Lệ cho biết.

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch. Hiện có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM đang thiếu việc, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc vì không có khách du lịch để dẫn các chương trình tham quan.

Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến công suất bán phòng giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2019. Ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành như  Saigontourist cũng đang đối mặt với nhiều khăn, khi đơn vị có hơn 100 đơn vị thành viên hoạt động trong ngành với hàng chục ngàn nhân viên.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, cho biết: “Saigontourist là hệ thống du lịch hàng đầu ở Việt Nam với nhiều lĩnh vực, hơn 100 lĩnh vực trực tiếp do đó sự tác động từ dịch bệnh rất lớn. Chúng tôi đã có những kiến nghị lãnh đạo các cấp để có sự hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp để có thể duy trì hoạt động chờ đến khi du lịch hồi phục”.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do lượng khách giảm nhanh nên doanh thu cũng giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên.

Các doanh nghiệp kinh doanh thị trường out-bound cho biết lượng khách đăng ký giảm mạnh, điển hình như: Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.

Cũng trong tình cảnh liên tục nhận tin hủy tour, ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Viking chia sẻ: “Vừa rồi công ty chúng tôi có đoàn khách Indonesia 280 người dự định sang TPHCM, nhưng trước thông tin Covid-19 họ đã hủy. Ngoài ra còn nhiều đoàn khách khác cũng hủy hết các hợp đồng”.

So với thị trường khách du lịch châu Á, thì khách châu Âu có phần bớt e dè hơn trước diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Du lịch Đường Mòn Châu Á nếu chỉ có khách châu Âu thì cũng khó đảm bảo được cho hoạt động của các doanh nghiệp.

“Tình hình hiện thời khách hàng Châu Âu thì khá bình tĩnh họ không hủy tour, nhưng đặt tour mới thì rất thấp. Lo ngại của họ là không muốn vì sợ sau khi đặt tour rồi hủy sẽ bị phạt” – bà Tiên cho hay.

Ngành hàng không cũng… điêu đứng

Khách du lịch giảm nghiêm trọng, cũng đồng nghĩa với việc ngành hàng không đứng trước muôn vàn khó khăn và nói theo ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp này đang gặp khủng hoảng lớn do dịch Covid-19.

Tổng thể lượng khách trên các mạng đường bay đang suy giảm trầm trọng. Cụ thể, lượng khách đi nước ngoài từ Việt Nam giảm 50% so với cùng kỳ. Lượng khách đi nội địa cũng giảm từ 40-50%. Đặc biệt các thị trường như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) sụt giảm từ 80-100%. Bên cạnh đó, các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang lao dốc rất mạnh, hiện nay sụt giảm khoảng 50%.

Ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng phòng Phát triển bán hàng và Tiếp thị của Vietnam Airlines thông tin: “Ngành hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là các thị trường lớn như Trung Quốc, giờ lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Mức giảm so với kế hoạch là 30 đến 40%”.

Thời điểm này không riêng gì các doanh nghiệp nhỏ, mà kể các doanh nghiệp du lịch đầu ngành cũng đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí còn khó khăn hơn khi họ phải duy trì một đội ngũ nhân sự rất lớn. Đây cũng chính là bài toán khó cho các doanh nghiệp, vì nếu duy trì thì không có kinh phí chi trả lương, còn nếu cắt giảm thì không đủ nhân sự hoạt động khi hết dịch khách tăng trở lại.

Chưa dừng lại ở đó dù kinh doanh không hiệu quả nhưng các doanh nghiệp du lịch còn tốn nhiều chi phí cho việc thuê mướn hạ tầng, cơ sở vật chất và quan trọng hơn nữa là nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Đây là một trong những tổn thất sẽ ảnh hưởng trực đến nguồn thu ngân sách của các địa phương trong đó có TPHCM là không nhỏ.

Sẽ khó mà kể hết những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành du lịch Thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên với nhiều chuyên gia, nhất là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành vẫn có niềm tin là với truyền thống sáng tạo, đoàn kết, chia sẻ với nhau thì các doanh nghiệp du lịch sẽ có cách để trụ vững và phục hồi ngay sau khi hết dịch bệnh.

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 3/3/2020: Euro tăng giá, Bảng Anh giảm - Đồng Euro đạt mức cao nhất trong tháng so với đồng Đô la Mỹ, còn Đồng Bảng Anh tiếp tục giảm giá với những áp lực từ bình luận của Thủ tướng Boris Johnson.

Giá vàng hôm nay 3/3/2020: Bật tăng trở lại, giao dịch ở mức 1.591 USD/ounce - Giới đầu tư dự đoán đúng đường đi của vàng, rằng sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát diện rộng.

Bình luận