EVN đề xuất tăng giá điện, Bộ Công thương đang xem xét

(VOH) - Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay và ước tính cả năm tập đoàn này lỗ hơn 31.000 tỉ đồng.

EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá điện theo quyết định 24/2017. Đây là quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chiều 1/12 cho biết hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành điện.

Giá đầu vào tăng, cần có sự điều chỉnh, nhưng tăng ở mức nào các bộ, ngành phải rà soát theo đúng thực tế, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, ông Đỗ Thắng Hải nói.

EVN đề xuất tăng giá điện, Bộ Công thương đang xem xét 1
Ảnh minh họa: EVN

Thông tin từ EVN cho hay do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.

Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng. Dù cố gắng giảm chi phí nhưng EVN cho rằng vẫn không thể bù đắp chi phí mua điện đầu vào quá lớn.

Với tình hình tài chính như vậy sẽ gây khó khăn cho EVN trong các năm tiếp theo, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Theo EVN, năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao

Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), mức giá này được duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. 

Bình luận