Sự suy thoái kéo dài của thị trường nhà ở đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và người tiêu dùng nước này.
Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 5% của Bắc Kinh vào năm 2024 có thể là quá tham vọng ngay cả khi các thước đo kinh tế khác đã ổn định.
Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2015 và sâu hơn mức giảm 4,5% vào tháng 6, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Trước đó, Reuters cũng đưa tin giá nhà giảm 5,0% do làm tròn số liệu tự động.
Tính theo tháng, giá nhà mới đã giảm trong tháng thứ 13 liên tiếp, giảm 0,7% và bằng với tốc độ giảm của tháng 6.
Trong số 70 thành phố được NBS khảo sát, chỉ có hai thành phố - Thượng Hải và Tây An - báo cáo giá nhà mới tăng theo tháng và chỉ có Thượng Hải ghi nhận giá tăng trên thị trường nhà bán lại.
Vào cuối tháng 7, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết trong việc hỗ trợ hoàn thành các dự án còn dang dở và biến những căn hộ chưa bán được thành nhà ở giá rẻ.
Một cuộc khảo sát theo quý do ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố tuần trước cho thấy 23,2% cư dân tin rằng giá nhà sẽ giảm trong quý 3, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu được công bố vào năm 2013.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường bất động sản cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và có mục tiêu.
Các nhà phân tích tại ING cho biết: "Có vẻ như thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cần thêm sự hỗ trợ về chính sách để thiết lập đáy".
Bắc Kinh đã và đang tăng cường các nỗ lực hỗ trợ khu vực này, vốn từng chiếm tới một phần tư nền kinh tế vào thời kỳ đỉnh cao, bao gồm giảm lãi suất thế chấp và giảm chi phí mua nhà.
Ông Song Hongwei, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tongce, một công ty nghiên cứu bất động sản cho biết, các chính sách đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy thị trường, nhưng sự suy thoái bên ngoài đã hạn chế tác động của các chính sách này.