Tại tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23/12, thống kê của Tổ chức du lịch thế giới vừa công bố cho thấy đại dịch Covid-19 làm ngành du lịch toàn cầu giảm 1 tỉ lượt khách, thiệt hại khoảng 1.100 tỉ đô la Mỹ, khoảng 230-240 triệu người lao động mất việc làm và tác động đến GDP toàn cầu giảm khoảng 2%. Theo đánh giá của Tổ chức du lịch thế giới, phải đến quý 3/2021 du khách mới tăng trở lại. Và nhanh nhất khoảng 3-4 năm, ngành du lịch thế giới mới hồi phục hoàn toàn.
Đối với Việt Nam, ước đến hết năm 2020, ngành du lịch đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu lượng khách đến trong tháng đầu năm, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỉ đồng, giảm tới 54% so với năm ngoái…Để hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến các chính sách về tài khoá, tiền tệ, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021 vì hiện nay các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Ngành du lịch cũng kiến nghị tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn… Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời để khôi phục hoạt động kinh doanh, giảm giá điện trong các cơ sở lưu trú và giảm tiền thuê đất. “Tiếp tục kiến nghị Bộ cùng các ban ngành, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, chờ cơ hội phục hồi khi đón lại khách quốc tế. Thứ hai, chỉ đạo các địa phương hình thành các liên minh kích cầu du lịch nội địa”, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nói thêm.
Là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Y tế Ecom chia sẻ: “Các nhân viên của chúng tôi họ đau khổ nhường nào, không có công ăn việc làm, bản thân người đứng đầu, tôi chua xót lắm chứ”.
Các doanh nghiệp lữ hành đề xuất Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem ngành du lịch là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu để được ưu tiên trong những gói hỗ trợ, nhất là những chủ trương, chính sách từ Chính phủ, các bộ ngành. Theo đó, ngành du lịch, doanh nghiệp và người lao động trong ngành cần được xem là những đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ, chính sách của bộ, ban ngành, cơ quan, trong đó có tài chính, tín dụng. Đồng thời, mong muốn nhà nước tiếp tục kiểm soát dịch tốt hơn để tránh những cú sốc tiếp theo cho doanh nghiệp, từ đó mới kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi.
Về chính sách về tài chính hiện nay, lãnh đạo Vietravel đề xuất cần có thêm những chính sách hỗ trợ về giảm, giãn thuế, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để khuyến khích người dân đi du lịch. Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay: về các loại tài sản thế chấp, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, có thể sử dụng các loại tài sản: bất động sản, kể cả đất và nhà trên đất, các khoản phải thu thông qua dịch vụ bao thanh toán của Ngân hàng. "Nếu chúng ta có du thuyền hay tài sản khác, ngân hàng có thể xem xét cho cho thế chấp với các khoản vay. Tuy nhiên về định giá tài sản thế chấp thì căn cứ vào giá của thị trường…”, ông Minh đề nghị.
Những năm qua, doanh nghiệp du lịch đã đóng thuế nhiều cho ngân sách nhà nước, nay trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn cũng cần sự chia sẻ từ nhà nước để doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn này.