Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của VN hướng tới mục tiêu vươn tầm thế giới

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đặt hàng với toàn hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của VN cần đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Hội thảo 'Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia' vừa diễn ra vào chiều 4/12/2021 với sự phối hợp tổ chức của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng đề án 844 và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Hội thảo nhằm mục tiêu thúc đẩy vai trò, thu hút sự tham gia của các chuyên gia người Việt tại nước ngoài với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.

Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã có những tác động lên mọi mặt của đời sống chính trị kinh tế xã hội. Trước tinh thần tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích đồng bào ở nước ngoài đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mới đây Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học - Công nghệ ( KH-CN) ký thoả thuận hợp tác về việc hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm huy động, tập hợp nguồn lực người VN ở nước ngoài hình thành mạng lưới hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của VN, đồng thời hỗ trợ chuyên gia, trí thức, doanh nhân là người VN ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực KH-CN tại VN.

Từ đề án tiền thân là VN silicon Valley - thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại VN  năm 2013, đến nay đề án hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia  gọi tắt Đề án 844 đã tạo ra những con số hết sức giá trị với hơn 3.800 starup công nghệ thế hệ trẻ, 2 unicorn kì lân; năm 2021, 11 starup có giá trị định giá trên 100 triệu USD; trên 1 tỷ USD tổng số tiền đầu tư mạo hiểm cho hệ sinh thái; trên 208 số lượng quỹ đầu tư đang hoạt động; trên 108 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo và khoảng 138 trường ĐH cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệm sáng tạo. Đáng chú ý, việc đầu tư khởi nghiệp từ năm 2016-2021 của VN đã có những bứt phá khi đứng thứ 3 trong ASEAN về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp KHCN dẫn chứng: "Từ 2016, có 205 triệu USD cho đầu tư khởi nghiệp tại VN. Năm 2019 là 861 triệu USD, năm 2020 do Covid xuất hiện giảm còn 317 triệu USD. Tuy nhiên năm 2021, đầu tư cho khởi nghiệp tăng trưởng vượt bậc với trên 1 tỷ 353 triệu USD, là cơ hội để VN bứt phá".

Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của VN hướng tới mục tiêu vươn tầm thế giới 1
Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo tại đầu cầu Việt Nam

Tại hội thảo này, “Mạng lưới các Hội trí thức hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ" chính thức ra mắt với sự tham gia của 21 vị chủ tịch thuộc các hội trí thức người VN ở nước ngoài đến từ 15 quốc gia trên thế giới .Đây là cơ hội để VN gia tăng sức mạnh nguồn lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế.  

Đánh giá tiềm năng kết nối giữa cộng đồng người Việt tại Đức và cộng đồng đổi mới sáng tạo tại VN, Giáo sư Nguyễn Xuân Thịnh, đại diện đổi mới sáng tạo VN tại Đức cho rằng: "Đây là tiềm năng mà chúng ta cần động viên và trở thành những người mang công nghệ để trao đổi với thế hệ trẻ VN. Với sự gắn kết chặt chẽ giữa 2 nước VN và Đức, các chuyên gia tại Đức có rất nhiều tâm huyết vào công cuộc đổi mới sáng tạo VN, chú trọng đào tạo nhân lực trẻ, tận dụng nguồn kinh phí của Đức để starup mang công nghệ từ Đức về VN".

Là người có 22 năm kinh nghiệm trong việc đảm nhiệm kết nối hoạt động y tế giữa VN và Nhật Bản, bà Hoàng Thị Bạch Dương, trưởng làng Techfest 2021 nhận định rằng đại dịch Covid thực sự vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những starup VN. Việc kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia cần có định hướng cụ thể để starup VN có thể đi nhanh hơn. Bà Hoàng Thị Bạch Dương đề xuất: "Hội nhóm kiều bào nên chú trọng tham gia các hệ sinh thái VN qua hình thức hỗ trợ, tư vấn trực tiếp với DN Medtech (y tế) trong nước, khơi gợi, gợi ý các starup trong nước để đi nhanh hơn, đúng hướng hơn. Thứ 2, starup trong nước khó khăn vì giới hạn năng lực tài chính, nếu có sự hỗ trợ từ đội ngũ kiều bào, tìm được Medtech nước ngoài có cùng ý tưởng, định hướng và chung tay sẽ giúp cho starup VN đi nhanh hơn và thành công của họ có thể lan toả cho cộng đồng nhiều hơn".

Để giải quyết vấn đề gọi vốn cho những Starup VN, bằng kinh nghiệm thực tiễn tại nước Úc - một trong những quốc gia hội tụ nhiều nhất những tri thức VN ở lĩnh vực công nghệ - GS-TS Nghiêm Đức Long, chủ tịch CLB tri thức kiều bào Bang New South Wales Úc - Giám đốc Trung tâm công nghệ nước và môi trường – ĐH công nghệ Sydney Úc cho rằng: "Chúng tôi có tâm huyết, chúng tôi không sợ đói vốn. Nếu starup thiếu vốn thì chúng tôi sẵn sàng gọi vốn cùng các bạn. Chúng tôi không sợ không có cơ chế. Cái quan trọng có hợp nhau không, có chung quan điểm không và có khả năng giải quyết vấn đề đưa sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế. Chúng tôi mong có cơ hội tiếp tục làm việc với starup VN".

Với kinh nghiệm hợp tác và tư vấn cho DN, đặc biệt starup công nghệ, GS-TS Lê Bảo Long – Chủ tịch mạng lưới chuyên gia công nghệ và phát triển kinh tế Canada đánh giá cao việc kết nối giữa các mạng lưới đổi mới sáng tạo VN và quốc tế, đây là bước khởi đầu để tiến tới sự hợp tác thiết thực giữa kiều bào nước ngoài. "Từ những kết nối này, tôi nghĩ bước đầu tiên thì chúng ta nên ngay lập tức xây dựng cơ sở dữ liệu về DN starup trong nước với nhu cầu hết sức cụ thể, cập nhật thường xuyên cho mạng lưới chuyên gia ở các nước khác nhau. Sau đó, đại diện từ mạng lưới bên ngoài kết nối các chuyên gia phù hợp nhất để xúc tiến làm việc. Tôi mong trong thời gian nhất định sẽ có hợp tác thiết thực, cải thiện dần trong hợp tác. Từ phía nhà nước có thể cung cấp hỗ trợ nhất định về thông tin, chính sách để đưa bước hợp tác này lên cao và hiệu quả."

Phát biểu kết luận tại hội thảo 'Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia', Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đặt hàng với toàn hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của VN cần đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đó là cách để khởi nghiệp: "Chúng ta quay trở lại chung sống với đại dịch Covid, tôi đặt hàng những ý tưởng sáng tạo và chúng ta giải quyết những việc đó chính là khởi nghiệp, dùng tri thức đổi mới sáng tạo để thưc hiện hoạt động, sản xuất kinh doanh. Với những thành quả bước đầu trong khuôn khổ hợp tác giữa ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban nhà nước về người VN ở nước ngoài về công tác thu hút nguồn lực doanh nhân, tri thức, kiều bào, chúng ta duy trì hoạt động kết nối với mạng lưới chuyên gia kiều bào nước ngoài và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại VN".

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng với sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, chủ tịch các hội tri thức ở nước ngoài trong hội thảo trên sẽ là nguồn thông tin quý báu, đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ, hướng tới hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của VN vươn tầm thế giới.