Sáng 21/8, tại Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” – Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Với vị thế của Việt Nam trong chiến lược hội nhập đang được thực thi nghiêm túc, quyết liệt, thì có thể nói vị thế của Việt Nam trong một nền kinh tế đang toàn cầu hóa đã và đang được khẳng định và sẽ trở thành một điểm đến thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trong tương lai của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của châu Âu”.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho thương mại và đầu tư của Việt Nam (Ảnh: sec-warehouse)
Ưu đãi về thuế
Ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do - EVFTA. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%.
Sau 07 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ đô la Mỹ và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018.
“Nếu xét về độ mở và những ưu đãi thuế quan trong mở cửa thị trường của Liên minh châu Âu thì đây có thể nói là một trong những Hiệp định thương mại tự do có ưu đãi về thuế quan cao nhất mà chúng ta đã đạt được trong đàm phán với các đối tác nước ngoài. Thế nhưng điều đó chưa đủ, chúng ta phải nói đến những điều kiện thuận lợi khác nữa, đó là những cam kết của cả hai bên trong việc tiếp tục tạo điều kiện để công khai minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho các hoạt động tiếp cận thị trường của doanh nghiệp của cả hai bên. Có nghĩa rằng, hai bên sẽ có quá trình phối hợp theo hướng xây dựng và tạo thuận lợi chung để cho việc mở cửa thị trường diễn ra nhanh hơn và thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phân tích.
EVFTA mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như cà phê (hiện 0 - 11,5%); hạt tiêu (0 - 4%); mật ong tự nhiên (17,3%); khoảng 50% số dòng thuế cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay hiện nay Việt Nam quan hệ thương mại EU, đây là thị trường rất lớn với tổng dung lượng thị trường hiện nay khoảng 55 tỷ đô la Mỹ và chúng ta đang có thặng dư rất tích cực ở thị trường này.
Do đó, chúng ta cần hiểu đây là một trong những mặt tích cực và trong các nhu cầu tích cực này thì có phần của nông sản Việt Nam. Vì vậy, khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, mức thuế của đa số dòng sản phẩm về nông sản sẽ về 0. Đây là lợi thế cho nông sản Việt Nam”.
Những thách thức
Về phía doanh nghiệp, việc tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế có lẽ sẽ khó khăn hơn khi phải đáp ứng tiêu chí chất lượng của thị trường vào dạng khắt khe như EU.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex nói: “Khi mới nhìn vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) thì chúng ta thấy có vẻ như là sẽ có rất nhiều lợi, nhưng chúng ta cũng biết là “cuộc chơi” không đơn giản như thế, vì các đối tác sẽ chuyển sang hình thức rào cản về kỹ thuật. Hàng loạt các nước, đặc biệt là các nước châu Âu quan tâm đến vấn đề hóa chất, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt họ liên tục đưa ra những loại hóa chất mới, việc này trở thành rào cản rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi chúng ta đã hội nhập thì chúng ta bắt buộc phải thay đổi cho phù hợp. Tôi thấy khó khăn rất nhiều chứ không chỉ là thuận lợi, nhưng đây sẽ là cơ hội để chúng ta vượt qua”.
Rõ ràng, Hội nghị là cơ hội để các hiệp hội, ngành hàng, địa phương nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng, ký được Hiệp định lần này là rất khó, nhưng việc thực hiện sao cho có hiệu quả, có lợi ích lâu dài và bền vững cho Việt Nam lại càng khó hơn. Với lý lẽ đó, TPHCM đánh giá rất cao Hội nghị lần này và thiết nghĩ rằng Hội nghị sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. TPHCM với vai trò trung tâm của vùng, vai trò quan trọng trong nền kinh tế Quốc gia, chúng tôi luôn xác định trách nhiệm của mình trong công việc này”.
Khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Các Hiệp định được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho thương mại và đầu tư; từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo… đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức lớn, do đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cả về nhận thức, hiểu biết và đặc biệt là về chính sách, thể chế.
Phân khúc căn hộ hạng sang TP HCM đang tăng trưởng tốt - Theo các chuyên gia BĐS, thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển ở các phân khúc, trong đó BĐS cao cấp-hạng sang là loại hình vẫn tăng trưởng ...
Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ lên 15 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 - Ngày 21/8, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức buổi Giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước.