Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các chính sách chăm lo nguồn nhân lực

(VOH) - Trong năm 2022, TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.

Trong đó, các vấn đề về giải quyết chính sách giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 chăm lo tốt hơn cho người lao động, giảm tiền đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thủ tục để người lao động bị nhiễm Covid-19 nhận hỗ trợ ốm đau… là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, chăm lo nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

ho-tro-doanh-nghiep-giai-quyet-cac-chinh-sach-cham-lo-nguon-nhan-luc-voh.com.vn-anh1
100% công nhân Công ty may mặc xuất khẩu Dony (quận Tân Bình, TPHCM) đi làm đầy đủ nhờ có chính sách chăm lo đời sống và bảo vệ người lao động trước dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: TTO)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư thì việc giải quyết kịp thời các chế độ ốm đau, bệnh tật hay nhiễm covid 19 cũng là cơ sở để doanh nghiệp ổn định được nguồn nhân lực phục hồi kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề sử dụng 5% quỹ phòng chống Covid-19 để lại cho doanh nghiệp được chi như thế nào, ông Nguyễn Văn Trung, công ty Vissan còn thắc mắc: "Theo nghị quyết 68 về mức hỗ trợ giảm 0,5% đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền này để sử dụng cho việc phòng chống dịch. Đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thấy có hướng dẫn nào hoặc là đã có mà công ty chưa cập nhật. Khoảng 0,5% giữ lại, công ty có thể mua các thiết bị sử dụng trong việc phòng, chống dịch hoặc là chi trả trực tiếp cho người lao động hoặc là có hướng dẫn nào khác không?".

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thương, Phó phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết: "Về vấn đề liên quan đến quỹ tai nạn, bệnh nghề nghiệp có quy định cho phép doanh nghiệp giữ lại 0,5% số thu, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc chi này, nhưng về nguyên tắc là chúng ta được chi, nhưng doanh nghiệp phải chi những khoảng nào có liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 và khi chi thì phải có chứng từ cụ thể, để phục vụ cho công tác kiểm tra sau này nếu có".

Trên thực tế, mặc dù nhiều chính sách được ban hành và đã hết hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời. Sự chia sẻ, giải thích tận tình, chi tiết của các ngành chức năng sẽ tiếp thêm động lực để doanh nghiệp khắc phục hạn chế. Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các chính sách hỗ trợ và kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phân tích rõ những quy định còn hiệu lực, đã hết hạn, tạo điều kiện thuận lợi trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động. Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó phòng Lao động tiền lương bảo hiểm xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải thích thêm vấn đề chi trả chế độ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ: "Ngay thời điểm 30/1, đã kết thúc không được nhận hồ sơ này, mà Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu, trước ngày 31/3 là phải hoàn thành việc chi trả chế độ theo nghị quyết 68. Ngoài ra, kinh phí cho trợ cấp theo nghị quyết 68 và hướng dẫn theo quyết định 23, do các địa phương sử dụng nguồn kinh phí của năm 2022 để chi trả cho các chính sách này, do vậy, nguồn kinh phí đến nay mới được tiếp nhận nên hồ sơ của các đơn vị chậm chi trả".

Đồng hành với đó, Bảo hiểm Xã hội TPHCM cũng giải quyết kịp thời các chế độ cho doanh nghiệp và người lao động. Đơn vị cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các chế độ chính sách nhanh chóng theo định hướng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho tổ chức, doanh nghiệp  và người lao động. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM thông tin thêm những cố gắng đơn giản hóa thủ tục xác nhận việc thanh toán hỗ trợ người nhiễm Covid-19: "Hiện nay, chúng ta vẫn đang thực hiện việc thanh toán hỗ trợ ốm đau cho người lao động là F0 trên cơ sở có giấy xác nhận, do các cơ quan y tế cấp cho người lao động. Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có kiến nghị với Bộ Y tế. Bộ cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng 7 loại giấy tờ khác liên quan đến F0 để thanh toán thực hiện chế độ, vấn đề này chúng ta đang chờ. Chính sách Bảo hiểm xã hội là dành để khi người lao động bị rủi ro, bệnh tật, ốm đau…thì quỹ Bảo hiểm xã hội trả thay lương. Như vậy, đối với những trường hợp có hưởng tiền lương thì sẽ không được hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản".

Không chỉ thế, để doanh nghiệp và người lao động hiểu, áp dụng, thụ hưởng các chính sách kịp thời, các địa phương - sở- ngành thành phố đã tổ chức nhiều buổi lắng nghe, trao đổi và giải đáp vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp. Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết: "TPHCM đang nỗ lực thực hiện chủ đề năm 2022, thành phố quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định sự cam kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền thành phố luôn đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng và để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài, kinh doanh nghiệp quả tại địa bàn TPHCM. Với vai trò là cầu nối của doanh nghiệp và chính quyền thành phố, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố khẳng định, sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện để có những hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay".

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19, thành phố đã tập trung 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động... Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương… Tất cả các chủ trương, chính sách đã và đang được TPHCM triển khai đều nhằm tạo điểm tựa vững chắc, giúp doanh nghiệp tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khôi phục sản xuất, cùng chung tay đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bình luận