Thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực trên địa bàn TPHCM giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động… Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao tại khối Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn rất lớn, chiếm khoảng 33% tổng nhu cầu lao động.
Dòng vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã giúp gia tăng đáng kể số lượng việc làm cho người lao động. Theo Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp (DN) có vốn FDI năm 1995 chỉ khoảng 330.000 người, đến năm 2020 lên khoảng 6,5 triệu người. Ngoài việc gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động địa phương, nguồn lao động đã có sự chuyển dịch cơ cấu rất rõ từ các ngành sử dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Thực tế cho thấy, nhiều công ty đa quốc gia của Pháp, Đức, Singapore… thay vì tuyển dụng trực tiếp kỹ sư IT tại nước bản địa, họ đã tuyển dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để làm việc từ xa vừa lành nghề, trẻ, mà chi phí lại rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, việc tuyển dụng được nhân sự vừa giỏi về chuyên môn, vừa thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, khá nan giải.
"Để đón đầu cơ hội từ xu thế chuyển dịch của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc cải cách đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cần phải tập trung vào vấn đề mang tính mấu chốt là gia tăng chất lượng nguồn nhân lực", ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết.
Rõ ràng đứng trước cơ hội và thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung, yêu cầu đối với người lao động sẽ cao hơn, tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn. Đặc biệt, TPHCM cần tập trung vào vấn đề mang tính mấu chốt là gia tăng chất lượng nguồn nhân lực. Nếu không, nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” là rất cao. Nguồn nhân lực ngoài việc phải có chuyên môn còn buộc phải thành thạo ngoại ngữ, và có nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo... Và muốn thành công trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, người lao động phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng,…
Theo các chuyên gia, TPHCM có lực lượng lao động đông đảo, trẻ, thu hút từ nhiều địa phương. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại thành phố cũng bộc lộ những hạn chế như nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số chưa đầy đủ; Thiếu hụt nguồn nhân lực chuyển đổi số từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân...
“Do đó, ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến thì việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đóng vai trò hết sức quan trọng”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM nói.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, trong những năm qua, TPHCM đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ... và chú trọng việc đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực có chất lượng cao nói riêng. Phát triển kinh tế tri thức là một trong những mục tiêu của TPHCM trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong 4 chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả 4 chương trình đều gắn với 4 trụ cột của nền kinh tế tri thức.
Trong đó, đáng chú ý về giáo dục – đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực cho TPHCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực được giao như công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị. Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh... để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế tại TPHCM.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đề ra các mục tiêu và giải pháp phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra như sau: Phấn đấu đạt 87% lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề nghiệp với chất lượng đào tạo được các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chấp nhận; 100% các trường được lựa chọn các trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm đạt kiểm định theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có ít nhất 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận...
Con người là chủ thể của sự phát triển, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Do đó, việc phát triển con người, mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố quan trọng, luôn được TPHCM tập trung quan tâm, đầu tư bồi dưỡng, đào tạo nhằm phát triển một đội ngũ tinh hoa, những chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi... đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, và đặc biệt là tái thiết kinh tế TPHCM sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.