Hoàn thiện chính sách pháp luật để phát triển kinh tế số bền vững

(VOH) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra ngày 17/2.

Với kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì bên cạnh thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số. 

Trong đó, có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ internet như dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội, được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72 do Bộ thông tin truyền thông soạn thảo. Xoay quanh góp ý cho vấn đề này, sáng 17/2 Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp cùng với Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.

Toạ đàm với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.
Toạ đàm với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cuộc sống con người, nhất là cách chúng ta tương tác với thế giới : "Sự bùng nổ của các dịch vụ số không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế số nói riêng mà cho toàn bộ nền kinh tế VN nói chung, tuy nhiên đi kèm với sự phổ biến của dịch vụ nội dung số, chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng tin giả, tin không chính xác, nội dung không lành mạnh với trẻ em, nội dung lệch chuẩn văn hoá đạo đức nói chung. Với mong muốn thúc đẩy chính sách quản lý dịch vụ internet và thông tin trên mạng được xây dựng dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích kinh tế, an toàn thông tin quốc gia, cộng đồng Hội truyền thông số VN và Liên minh Internet châu Á tổ chức buổi tọa đàm này."

Theo giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á – ông Jeff Paine nhận định, VN cũng như các quốc gia khác đều gặp phải những thách thức như hệ luỵ do đại dịch Covid gây ra và đây là nguồn động lực phát triển kinh tế số. Ông đánh giá rất cao về việc phối hợp với Hội truyền thông số tổ chức tọa đàm xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.

Nhấn mạnh về sự bùng nổ của nền kinh tế số ,đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch vừa qua, Giám đốc Công ty Luật Rouse Legal Việt Nam Vũ Thị Hồng Yến dẫn chứng hiện VN có hơn 1.700 trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép, 829 trang mạnh xã hội được cấp phép, 1.000 trò chơi điện tử được cấp quyết định duyệt nội dung và 9.756 trò chơi điện tử trên mạng được cấp giấy xác nhận thông báo phát hành.

Sự phát triển của nền tảng truyền thông mạng xã hội đã bùng nổ với số lượng nội dung được tạo ra trên các nền tảng như Facebook, youtube, tiktok, instagram… với gần 2,8 tỉ lượt tải về kho ứng dụng điện thoại, trong khi đó thị trường trò chơi điện tử trên mạng cũng đầy triển vọng với doanh thu thị trường trò chơi là 522 triệu USD với thị trường có 20.000 người lao động trong năm 2020.

Tuy nhiên, môi trường internet tại VN đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt liên quan đến vấn đề tin giả, sai sự thật, nội dung vi phạm pháp luật hình sự, hành chính và sở hữu trí tuệ.

Theo đó, với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 của Bộ thông tin truyền thông, bà Yến cho rằng cần có quy định xử lý mạnh tay đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp tên miền. "Do tốc độ lan truyền thông tin trên internet rất nhanh, nhu cầu ngăn chặn trang web hiển thị nội dung vi phạm là rất cấp bách. Trong dự thảo lần 2 này, Bộ thông tin truyền thông có đưa vào biện pháp tạm ngừng sự hoạt động tên miền. Tuy nhiên, do xử lý tranh chấp tên miền có liên quan đến thẩm quyền Bộ thông tin truyền thông lẫn Bộ khoa học công nghệ, nên chăng đưa thêm vai trò thanh tra của Bộ Khoa học công nghệ trong quá trình xử lý vi phạm".

Cũng ở góc nhìn về vấn đề an ninh, an toàn thông tin, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị về quy định dịch vụ dữ liệu và lưu trữ dữ liệu trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72: “Các pháp lý liên quan đến thông tin dữ liệu người dùng nên tuân thủ theo hướng bảo vệ dữ liệu cá nhân, còn trong Nghị định 72 sửa đổi, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc khi có hoạt động vi phạm xảy ra, có yêu cầu văn bản hợp lệ từ cơ quan nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung thông tin bao gồm trung tâm dữ liệu có nghĩa vụ đáp ứng, không cần quy định yêu cầu doanh nghiệp lưu dữ liệu".

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên nêu quan điểm : "Nếu Việt Nam chuyển sang quốc gia sản xuất công nghiệp, xuất khẩu gồm công nghệ thông tin, công nghệ số, nội dung số thì sẽ khai thác tối đa thị trường, cơ hội lớn gấp bội. Lúc đó bảo vệ thị trường chưa phải vấn đề lớn.

Khi chúng ta mở ra được với thế giới, hòa nhập thế giới, khai thác tối đa thị trường bên ngoài VN thì vấn đề bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, dịch vụ qua biên giới, đặt dữ liệu ở đâu, kể cả vấn đề pháp lý sẽ có nhìn nhận khác đi rất nhiều".

Đồng tình với quan điểm của ông Liên, Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Mandel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách tiến bộ Hoa Kỳ, nhấn mạnh cần hiểu rõ tiềm năng của Việt Nam: "Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và tận dụng cơ hội. Trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam phải hướng đến xuất khẩu, tham gia thương mại toàn cầu, có tầm nhìn trọng tâm hơn".

Hoàn thiện chính sách pháp luật, vận hành môi trường pháp lý là cách để các nhà làm chính sách thu thập được các tình huống pháp lý, xử lý vấn đề nhanh chóng. Bởi lẽ mục tiêu cuối cùng không chỉ là ban hành một quy phạm pháp lý mà còn là hiệu quả của vận hành môi trường pháp lý.

Với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72, giới chuyên gia đánh giá cao sự cầu thị, sự nỗ lực của Bộ thông tin truyền thông trong việc soạn thảo, đổi mới các quy định pháp lý, tham vấn, lấy ý kiến từ các bộ ngành, doanh nghiệp sao cho phù hợp với xu thế phát triển và quản lý internet hiện nay trên thế giới.

Đồng thời, giới chuyên gia kì vọng nghị định sẽ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả sau khi được ban hành, đảm bảo xây dựng môi trường internet lành mạnh với cộng đồng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế số phát triển, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số-xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Bình luận