Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa chủ trì hội nghị bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IUU váo sáng 29/9, tại TPHCM.
Hội nghị là đợt rà soát lại các nội dung có liên quan đến các tỉnh, thành nhằm đáp ứng cho việc kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối tháng 10 tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những tồn tại, hạn chế về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đồng thời đưa ra các giải pháp, hướng dẫn kỹ thuật, các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để hoàn thiện công tác chuẩn bị làm việc với EC.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng vụ khoa học và hợp tế quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết về nội dung sẽ làm việc với EC: “CViệc đầu tiên là sẽ kiểm tra về việc Việt Nam kiểm soát tàu cá vi phạm của nước ngoài như thế nào. Với những tàu cá của chúng ta vẫn tiếp tục vi phạm, sẽ kiểm tra các biện pháp đã xử phạt những hành vi này như thế nào và các bước mà chúng ta cần phải quan tâm và xử lý trong thời gian tới".
"Nội dung thứ hai là sẽ kiểm tra tính hợp pháp ở sản phẩm thủy sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Châu Âu. Việc thứ ba là sẽ kiểm tra việc thực thi pháp luật của chúng ta, bởi vì là khung pháp lý thì bạn đánh giá rất hiệu quả rồi, tốt, đáp ứng được yêu cầu quốc tế nhưng quan trọng là năng lực thực thi pháp luật đấy của chúng ta như thế nào và việc này thì phải chứng minh qua những cơ sở dữ liệu về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 42 năm 2019 của Chính phủ”.
Cho đến nay, EC đã cảnh báo 27 quốc gia có liên quan đến thẻ vàng và thẻ đỏ, trong đó có 15 quốc gia đã bị thẻ vàng, và đã gở được thẻ. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều nội dung vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các khuyến nghị của EC tại doanh nghiệp và nỗ lực chống khai thác IUU.
Ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế khi gở được thẻ vàng của EC: “Người ta tập trung vào 10 nhóm giải pháp. Tất cả các quốc gia để gỡ được thẻ vàng gần như phải thay đổi toàn bộ các thể chế, đấy là kinh nghiệm, nước nào cũng phải làm như vậy. Thứ hai là phải đăng ký hệ thống đăng ký cấp phép, là hoàn toàn chuyển sang điện tử mới có thể theo dõi một cách cụ thể. Thứ ba là hệ thống giám sát tàu cá VMS. Thứ tư là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tại cảng. Thứ năm rất quan trọng đó là phải tăng cường xử phạt. Thứ sáu nữa là truy xuất nguồn gốc , tất cả các nước này đều có một hệ thống truy xuất điện tử theo chuỗi chứ không phải như hiện tại chúng ta đang làm theo từng lô hàng. Và cuối cùng là họ phải cơ cấu lại đội tàu và thực hiện nhiệm, nghĩa vụ quốc tế”.
Theo báo cáo, hiện nay, liên quan đến công tác khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU, có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm tốt, do vậy phải có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để có thể khắc phục được thẻ vàng của EC.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: “Sắp tới, EC thanh tra sẽ làm việc rất chuyên nghiệp và chặt chẽ. Do vậy, việc chuẩn bị cho thanh tra Châu Âu vào ngày 20 đến 28/10 tới đây, Bộ đã tổ chức hội nghị hôm nay. Bộ cũng đã từng có nhiều văn bản chỉ đạo đối với từng tỉnh. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào? Đây là việc phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các địa phương, phải hết sức chặt chẽ để chúng ta làm tốt được những yêu cầu của EC khi tiến hành thanh tra trong giai đoạn tới".