Năm 2022, thị trường vàng trong nước đã trải qua một năm "đầy kịch tính" khi chứng kiến thời điểm tăng "thẳng đứng", sau đó "lao đầu" giảm.
Thời điểm từ cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 3, giá vàng liên tục phá vỡ kỷ lục. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang cộng với nỗi lo lạm phát đã không ngừng đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn và khiến giá vàng tăng nhanh. Tại thời điểm ấy, giá vàng có lúc lên đến 74 triệu đồng/lượng.
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất, vàng vẫn giữ vị thế là nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tràn lan và sự bất ổn địa chính trị. Các nhà đầu tư tập trung vào vàng thỏi và xu vàng, khiến tổng cầu bán lẻ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, giới chuyên môn dự đoán hoạt động mua và đầu tư bán lẻ của Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Việc này giúp bù đắp cho sự suy giảm có thể dự đoán trước trong đầu tư trên thị trường chưa niêm yết OTC và quỹ đầu tư ETF nếu đồng đô la Mỹ vẫn tiếp tục tăng giá.
Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á, trong khi nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ tiếp tục suy giảm khi nền kinh tế giảm sút.
Trên thị trường dầu, giá dầu trong năm 2022 tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Tạii phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, mức giá tiếp tục tăng, đánh dấu hai năm đi lên liên tiếp.
Các chuyên gia phân tích nhận định: "Đây là một năm đặc biệt đối với các thị trường hàng hoá, với những rủi ro nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả “nhảy múa”. Năm tới sẽ là một năm khó đoán định nữa với nhiều bất ổn".

Chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối cùng của năm 2022 ở trạng thái giảm điểm, khép lại một năm với mức giảm kỷ lục do tác động của chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, những lo ngại về suy thoái kinh tế và sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hứng chịu cơn gió ngược ở cả trong và ngoài nước. Chứng khoán Việt Nam đã lọt top giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022.
Từ đầu năm 2022, chỉ số VN-Index khởi đầu đầy hứng khởi với kỷ lục gần 1,529 điểm, nhưng đột ngột lao dốc khi thị trường xuất hiện thông tin về những sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như rắc rối về trái phiếu, bất động sản. Khép lại năm 2022, VN-Index về mức 1,007 điểm, giảm gần 33% so với đầu năm và nằm trong top 2 thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, những vụ bê bối gần đây liên quan đến các tập đoàn bất động sản và thao túng thị trường chứng khoán, cùng với việc siết chặt kiểm soát vốn đối với lĩnh vực bất động sản cũng khiến giới đầu tư “co” lại.
Dự báo mối quan tâm của các nhà đầu tư trong năm 2023 hướng đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, với lo ngại gia tăng về nguy cơ suy thoái.