Kinh tế số sẽ mang về cho Việt Nam 74 tỷ đô vào năm 2030

(VOH) - Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030.

Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ đô la Mỹ) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Thông tin trên được báo cáo tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức vào chiều 18/10 nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng kinh tế số Việt Nam hiện nay, khả năng phát triển trong tương lai và những cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Theo đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi; tỉ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (cao hơn tỉ lệ trung bình toàn cầu là 91%) và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia).

kinh-te-so-se-mang-ve-cho-viet-nam-74-ty-do-vao-nam-2030-voh.com.vn-anh1
Công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. (Ảnh minh họa: internet)

Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, báo cáo cũng chỉ ra rằng nước ta phải đối mặt với một số “rào cản” trong khai thác lợi ích từ công nghệ số, như: Quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.

Để vượt qua những “rào cản”, nắm bắt tối đa cơ hội số, Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” khuyến nghị về 3 trụ cột hành động.

Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.

Thứ 2, nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên. Thứ 3, phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.

Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật số là rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19. Ước tính, khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,216 triệu tỷ đồng khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.