Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất châu Á năm 2022

VOH - Tờ Financial Times ngày 9/7 nhận định, sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời khắc của nền kinh tế của Việt Nam cuối cùng đã đến.

Theo Financial Times, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ đại dịch Covid-19. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Những tập đoàn tên tuổi lớn trong đó có Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam trong những năm gần đây.

Lợi thế mà Việt Nam có được do vị trí gần Trung Quốc, chi phí thấp cùng lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt đã thu hút các nhà sản xuất từ quần áo, giày dép đến các thiết bị điện tử cao cấp hơn như AirPod của Apple. 

Kinh tế Việt Nam
Việt Nam sẽ cần tái đầu tư để hỗ trợ phát triển các ngành giàu tri thức, năng suất cao hơn nhằm đạt được mục tiêu năm 2045 - Ảnh: Bloomberg

Financial Times nhận thấy, xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong bối cảnh chi phí lao động tăng và rủi ro chính trị làm xói mòn lợi thế của Trung Quốc với tư cách là một điểm đến kinh doanh.

Hơn 20 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam năm ngoái chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ cũng đã tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng phát vào năm 2018. 

Tờ báo khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng để đạt được thành công lớn hơn.

Trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, chính phủ cũng phải tận dụng lợi ích tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.

Trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các kế hoạch đầu tư của nhà sản xuất.

Lợi thế về nhân khẩu học trẻ tuổi sẽ cung cấp lượng lớn lao động, nhưng cần chú ý đến tính cạnh tranh về tay nghề kỹ thuật. Các trường học của Việt Nam có chất lượng vượt trội trên toàn cầu, nhưng chất lượng trong trường đào tạo nghề và các trường đại học cần một bước tiến mới.

Trên tất cả, cơ sở hạ tầng của đất nước cần được nâng cấp khi mạng lưới điện quốc gia đang phải chịu sức ép của nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng. 

Việt Nam cũng cần tái đầu tư cổ tức tăng trưởng hiện tại để hỗ trợ phát triển các ngành giàu tri thức và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2045. Các dịch vụ như tài chính, hậu cần và dịch vụ pháp lý tạo ra việc làm có tay nghề cao và gia tăng giá trị cho các ngành hiện có.

Theo Financial Times, Malaysia và Thái Lan đã đi trên quỹ đạo tương tự như Việt Nam hiện nay vào cuối những năm 1990 nhưng họ đã mắc phải “bẫy thu nhập trung bình” - khi các quốc gia không thể chuyển đổi từ nền kinh tế có chi phí thấp sang nền kinh tế có giá trị cao, gây khó khăn cho việc cạnh tranh.

Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, tiền lương cũng sẽ tăng lên và không thể dựa vào mô hình chi phí thấp mãi mãi. Sự phụ thuộc vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ khiến đất nước dễ bị tổn thương trước môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.

Bình luận