Làm gì để nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa?

(VOH) – Mục tiêu đến năm 2025 của Thành phố là duy trì đàn bò sữa ổn định với tổng đàn 61.000 con, trong đó, đàn cái sinh sản chiếm 60 - 70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50%.

Ngày 19/8, tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, P.Trung Mỹ Tây, Quận 12, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi, Phân viện chăn nuôi Nam bộ và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học: Nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa” năm 2022 nhằm đánh giá một cách toàn diện về sự phát triển và định hướng phát triển của đàn bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận tham dự. 

Hội thảo “Nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa” năm 2022 tại TPHCM.
Hội thảo “Nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa” năm 2022 tại TPHCM.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển chăn nuôi bò sữa lớn trong vùng và của cả nước. Mục tiêu đến năm 2025 của Thành phố là duy trì đàn bò sữa ổn định với tổng đàn 61.000 con, trong đó, cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60 - 70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn, năng suất sữa bình quân đạt 17 - 19 kg/con/ngày; phấn đấu quy mô chăn nuôi tiệm cận đến tiêu chuẩn trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo quy định của luật Chăn nuôi.

Hội thảo nêu lên hiện trạng tổng đàn bò sữa giảm mạnh về số lượng trên địa bàn TPHCM, đồng thời đưa ra một số giải pháp liên quan và những định hướng nâng cao giá trị kinh tế bò sữa phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn thành phố. 

Có nhiều nguyên nhân khiến đàn bò sữa giảm số lượng. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là lợi nhuận, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu không tăng hoặc tăng rất ít, thì giá thức ăn lại tăng cao. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như thu hẹp diện tích chăn nuôi do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh; chính sách hỗ trợ chưa tập trung; quy mô chăn nuôi không đủ lớn để tạo ra lợi thế kinh tế (chiếm 50.06%), chăn nuôi theo phương thức truyền thống...

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại (EVFTA), chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần có những thay đổi quyết liệt. Cần đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ. 

Về thuận lợi trong phát triển chăn nuôi bò sữa tại thành phố, Tiến sĩ Phạm Hồ Hải - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố cho biết, ngoài các chương trình, đề án phát triển chăn nuôi bò sữa đã có trước đây, thì Thành phố cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tăng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa. Ngoài ra thành phố cũng có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trình độ chuyên môn phù hợp, và đã có mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, làm điểm tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn.

“Những năm gần đây tốc độ đô thị hoá của thành phố càng ngày càng tăng và đất sản xuất nông nghiệp rất là eo hẹp cũng như chưa có định hướng những vùng chăn nuôi như thế nào cho phù hợp trong điều kiện sản xuất, vì thế khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò sữa là điều hiển nhiên. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi của thành phố đã có và rất nhiều, nhưng thực sự chưa tập trung, do đó cần những giải pháp rất là cụ thể. Chăn nuôi bò sữa thành phố được xếp vào loại áp dụng nhiều công nghệ mới nhiều kỹ thuật mới nhưng thực tế vẫn là kinh nghiệm truyền thống và thành phố Hồ Chí Minh thực sự vẫn chưa có những hợp tác xã điển hình về chăn nuôi bò sữa”, ông Phạm Hồ Hải nói.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Đại học Kinh tế Thành phố, tổng đàn bò nói chung và đàn bò sữa ở Thành phố đang suy giảm nhanh chóng. Mức tăng giá thu mua sữa nguyên liệu hàng năm không đủ bù lạm phát tính theo thay đổi chỉ số giá tiêu dùng hàng năm, và càng không đủ bù mức độ tăng giá các vật tư nguyên liệu đầu vào, con giống, nhân công lao động… 

“Thứ nhất là khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con chuyển đổi sang nghề nghiệp khác vì không có hiệu quả kinh tế. Thứ hai là các dịch vụ công trong ngành chăn nuôi thú y, khoa học công nghệ…thì nên tập trung vào các hộ có quy mô tương đối lớn hơn để hỗ trợ để tăng hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt đối với các hộ quy mô từ 50 con trở lên. Thứ ba về quy hoạch sử dụng đất, nếu quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thì chắc chắn nó sẽ tiếp tục suy giảm, và đến một lúc nào đó TPHCM chỉ nuôi bò sữa như điểm vui chơi giải trí chứ không coi như là một ngành kinh tế nữa”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Tiến Khai đề xuất.

Để tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trong điều kiện rất khó tăng giá bán sữa và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, Tiến sĩ Chung Anh Dũng đề xuất một số giải pháp khoa học công nghệ: “Cần phải giảm chi phí thức ăn nhất là thức ăn rau xanh, bằng một số biện pháp ví dụ như tự trồng cỏ, chúng ta tăng hiệu quả sử dụng thức ăn qua các phương pháp quản lý nuôi dưỡng phù hợp; tăng quy mô đàn tối ưu và có giải pháp quản lý đàn tốt; tăng năng suất sản xuất con giống qua công tác chọn giống, nhân giống, quản lý và chăm sóc chuồng bò”

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố nhấn mạnh, cần ứng dụng công nghệ khoa học vào chăn nuôi bò sữa, phải nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sữa để tham gia vào các sản phẩm Ocop (One commune one product - mỗi xã phường một sản phẩm), đồng thời kết hợp và gắn chăn nuôi bò sữa với du lịch. 

Bình luận