Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?

(VOH) - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 trên thế giới và trong nước đang ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, từ khâu lưu thông, vận chuyển đến phân phối, từ trong thị trường nội địa đến các cửa khẩu đều đang gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay. Tuy vậy thì chúng ta vẫn không thể chủ quan bởi đang xuất hiện rất nhiều thách thức mới đối với hàng Việt như là các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu phần lớn kênh phân phối.

Thuế quan giảm nhanh theo các cam kết thương mại điện tử hay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin. Phải làm gì để hàng Việt có thể vượt qua được những thách thức này và ngày càng được thêm nhiều người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam?

Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao đổi với VOH. 

lam-gi-de-nguoi-viet-dung-hang-viet-voh.com.vn-anh1
 Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay. Ảnh: VGP

*VOH: Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có hành động gì để sát cánh cùng với hàng Việt trên con đường chinh phục người tiêu dùng trong nước và có kết quả ấn tượng như ngày hôm nay?

- Ông Ngô Thanh Sơn: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố, đã xác định việc thực hiện Cuộc vận động  là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; hàng năm đều xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động  trong hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân cùng thực hiện.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là các đối tượng, lĩnh vực cần quan tâm; Phân công các thành viên theo dõi, phụ trách các lĩnh vực, nội dung có liên quan để phát huy trách nhiệm; Tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, các chợ truyền thống, Ban Chỉ đạo một số quận, huyện để có đánh giá kết quả thực hiện sâu hơn, tìm những thiếu sót, hạn chế cũng như những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục, tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động.

*VOH: Thực tế, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong hơn 10 năm qua, điều quan trọng nhất làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng từ việc chuộng hàng ngoại quay trở về sử dụng hàng Việt Nam của người dân, ôngchia  sẻ gì về sự chuyển biến này?

- Ông Ngô Thanh Sơn: Mục đích chính của Cuộc vận động đó là kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương.

Có thể khẳng định rằng, sau hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động thì hàng hóa Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được thị trường và chinh phục được người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Để đạt được sự chuyển biến về nhận thức đó thì doanh nghiệp, nhà sản xuất phải hiểu được nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng cũng như kết hợp xu hướng phát triển chung của xã hội thì họ sẽ chiến thắng trong việc chiếm lĩnh thị phần.

*VOH: Có thể nói mặt hàng xuất xứ Việt Nam hay thương hiệu Việt đều được đánh giá là phải có sự cạnh tranh công bằng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Có ý kiến cho rằng, hàng Việt Nam thì có nhiều nhưng hàng thương hiệu Việt lại chưa có ưu thế lắm, rất vắng mặt trong kênh phân phối hiện đại?

- Ông Ngô Thanh Sơn: Sự cạnh tranh công bằng là điều tất yếu trong kinh doanh, từ đó đòi hỏi doanh nghiệp, nhà sản xuất có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của mình. Để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại, hàng Việt cần đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm, đi đôi với xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất thành phẩm, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển theo xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng cũng như tạo nên giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương. Hành vi mua sắm, tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi do dịch Covid-19. Do đó, việc các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử là một giải pháp phù hợp.

Việc Việt Nam chúng ta tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh. Cùng với đó là những thách thức mà các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt ngay trên “sân nhà”.

Do đó, cần tích cực cập nhật những kiến thức về hội nhập, chủ động nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, quy trình sản xuất, phân phối... để tạo ưu thế trong cuộc đua cạnh tranh thương hiệu.

*VOH: Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp phân phối sản phẩm cần phải làm gì để hàng thuần Việt phát huy được vai trò của mình trong thời gian tới?

- Ông Ngô Thanh Sơn: Các cơ quan quản lý nhà nước trước mắt cần đề ra chủ trương khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật - thương mại, phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam theo hướng văn minh hiện đại; tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới; phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm công tác quản lý thị trường để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, để cạnh tranh thành công cần quan tâm nhiều hơn đến dòng dịch chuyển nguyên vật liệu; mẫu mã và dịch vụ hậu mãi; cách thức vận chuyển, bảo quản sản phẩm hoàn thành. Đặc biệt cần quan tâm tới kênh phân phối phù hợp để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

*VOH: Việc kích cầu thị trường nội địa, người Việt lựa chọn, sử dụng hàng Việt là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giải pháp này như thế nào? Thời gian tới Ủy ban MTTQ VN TP sẽ có những đổi mới như thế nào để thúc đẩy cuộc vận động thêm hiệu quả?

- Ông Ngô Thanh Sơn: Để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố với vai trò Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu đẩy mạnh các nội dung chính, bao gồm:

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các báo, đài của Thành phố theo hướng vận động định hướng người tiêu dùng Thành phố biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Vận động các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đến người tiêu dùng; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý cùng với chất lượng dịch vụ, bán hàng tốt để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

3. Phối hợp, triển khai các hoạt động, chương trình, đề án của Thành phố như chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian, giá thành sản phẩm; xây dựng và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm, thúc đẩy sản xuất; phối hợp Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng triển khai Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại.

4. Tập trung đánh giá chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố và cơ sở; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo. Đánh giá kết quả thực hiện công tác giám sát, khảo sát việc thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, nhất là các doanh nghiệp thuộc các ngành chủ lực thành phố, doanh nghiệp có sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường;

5. Phát hiện và nêu gương các điển hình trong thực hiện Cuộc vận động, trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong tiêu dùng hàng Việt Nam gắn với  phong trào thi đua bảo vệ môi trường, phong trào thi đua yêu nước; khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu, có uy tín đã tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động. Đặc biệt là các doanh nghiệp tích cực tham gia cùng với chính quyền thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch, thiên tai.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận