Thông tin trên được phân tích dựa trên dữ liệu tìm kiếm của Google đối với 350 thương hiệu xa xỉ - theo Fashionnetwork.
Louis Vuitton đã bỏ xa các nhãn hiệu khác và đứng đầu danh sách tìm kiếm ở 81 quốc gia trong tổng số 195 quốc gia với lượng tìm kiếm trung bình là 11,1 triệu lượt mỗi tháng.
Ở vị trí thứ hai và thứ ba là các thương hiệu xe hơi hạng sang Lamborghini và Mercedes Benz, tiếp tới là Michael Kors, Loewe, Gucci, Balenciaga, Porsche, Chanel và Dior.
Louis Vuitton hiện là thương hiệu phổ biến nhất ở châu Âu, đứng đầu danh sách ở 29 quốc gia. Michael Kors đứng ở vị trí thứ hai – khi chỉ đứng đầu danh sách ở ba quốc gia, trong khi Hermès , L'Occitane và Mercedes Benz chỉ đứng đầu danh sách tìm kiếm ở hai quốc gia.
Tại Vương quốc Anh, Louis Vuitton không giành được vị trí đứng đầu và vinh dự đó thuộc về Hermès. Vuitton chỉ chiếm vị trí thứ hai đối với người tiêu dùng Anh, sau đó tới Gucci, Harrods, Ted Baker, Balenciaga, Swarovski, Michael Kors, Ralph Lauren và Rolex.
Ước tính, vào năm 2025, sẽ có khoảng 30% tổng doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu sẽ được thu từ kênh bán hàng trực tuyến. Điều này cho thấy kỹ thuật số đóng một vai trò lớn trong sự phổ biến của nhãn hiệu.
Sự hiện diện vững chắc trên mạng có thể đảm bảo cho các thương hiệu một vị trí đứng đầu danh sách phổ biến và mức độ phổ biến trực tuyến sẽ trở thành thước đo “tình cảm” của người tiêu dùng đối với một thương hiệu.
Những năm gần đây, Việt Nam là nước phát triển mạnh về công nghệ và thương mại điện tử nên hình thành tầng lớp công dân thế hệ số. Đối tượng này đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng của Việt Nam. Thống kê cho thấy, Việt Nam đạt doanh thu gần 1 tỷ USD (976 triệu USD) từ thị trường hàng xa xỉ. Thị trường này dự kiến tăng trưởng 3,3% mỗi năm và sẽ vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2026, cả nước sẽ có 25.812 cá nhân có giá trị ròng cao với tài sản lưu động ít nhất là 1 triệu USD. Con số này dự kiến tăng hơn 59% vào năm 2026 từ 72.135 cá nhân vào năm ngoái. Số lượng cá nhân có giá trị ròng cực cao ở Việt Nam với giá trị ít nhất 30 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 26%, lên hơn 1.500 người vào năm 2026. Những người giàu có ở Việt Nam không ngừng tìm kiếm cơ hội không chỉ để đầu tư tiền của mà còn để chi tiêu. McKinsey & Company (công ty tư vấn quản lý toàn cầu) dự báo đối tượng này sẽ chiếm 40% tổng tiêu thụ ở Việt Nam năm 2030 so với 10% năm 2020 với quan điểm mua hàng phóng khoáng, ưa trải nghiệm những thứ mới, trong đó xa xỉ phẩm chính là sự trải nghiệm mới. |