Chờ...

Năm 2023, Việt Nam thu 51,5 triệu USD từ bán tín chỉ carbon

VOH - Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” diễn ra vào sáng 27/6.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Những kết quả trên cho thấy, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

ong-le-cong-thanh-270624
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Công Thành sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Do vậy, Thứ trưởng cho rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.