Chờ...

Tin Phát triển bền vững ngày 24/6: Thực hành ESG để gọi vốn

VOH - Năng lượng tái tạo – Chìa khóa để thực thi các tiêu chuẩn môi trường xã hội và quản trị; Tín chỉ carbon rừng những chuyển động và kỳ vọng hướng tới.

Năng lượng tái tạo – Chìa khóa để thực thi các tiêu chuẩn môi trường xã hội và quản trị

Đầu tư vào việc thực hành các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) hướng tới mô hình kinh doanh bền vững là yếu tố quan trọng mang lại sự cân bằng trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, được đánh giá sẽ mang lại thành công lâu dài, bền vững cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Đây là khẳng định của ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, Thành viên Ban lãnh đạo EuroCham Việt Nam và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với phóng viên báo chí.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực tham gia vào các sáng kiến ESG và đã đưa các mục tiêu ESG vào chính sách của doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), thông qua DecisionLab, thực hiện vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhận được tổng cộng 655 phản hồi từ các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, trong đó 80% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam đã xây dựng chiến lược ESG.

Bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường và hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với các doanh nghiệp FDI, sử dụng năng lượng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược hoạt động tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thậm chí còn đưa ra cam kết rõ ràng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo.

2

Thực hành ESG để gọi vốn

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.

Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu - Quỹ ResponsAbility Investments Ag (Thụy Sĩ), cho biết một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).

Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng: phải áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi "cuộc chơi".

Theo ông Duy, thực hành ESG là bước khởi đầu của việc gọi vốn, giúp startup nâng cao cơ hội nhận vốn từ quỹ đầu tư tạo tác động. Trong năm 2024, tổng số tiền mà các quỹ trên thế giới đã đầu tư vào startup tài chính khí hậu lên đến 653 tỉ USD. Đây là con số ấn tượng, cho thấy tài chính khí hậu là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu.

Ông Duy cho rằng nếu doanh nghiệp chỉ nhìn vào ESG như một thách thức thì có thể sẽ tiếp tục với tâm thế bị động. Trong khi đó, nếu thay đổi góc nhìn, ESG mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn, giúp phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận tốt, có tác động tích cực đến xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ sau này.

Tín chỉ carbon rừng những chuyển động và kỳ vọng hướng tới

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3019/QĐ-UBND ngày 24/9/2021, phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó thực hiện mục tiêu quan trọng là phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Thái Nguyên cũng định hướng phát triển vùng trồng quế tập trung tại huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai. Mục tiêu phát triển diện tích quế toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha; giá trị sản phẩm quế đến năm 2025 đạt 1.261 tỷ đồng, năm 2030 đạt 3.149 tỷ đồng (giá hiện hành). Đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng được 4.050 ha Quế, đạt 62,3% kế hoạch đến năm 2025.

Với lợi thế về tài nguyên rừng, tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều nỗ lực phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Đồng thời, các Ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên đang theo dõi sát sao lộ trình phát triển và thời gian triển khai thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, sẵn sàng đón đầu cơ hội tham gia, góp phần vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

5

Sơn La phát triển công nghiệp chế biến theo hướng kinh tế tuần hoàn

Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất Tây Bắc, vùng trồng cây ăn quả và nông sản chuyên canh lớn thứ 2 của cả nước, Sơn La đã và đang kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến theo hướng bền vững, đảm bảo kinh tế tuần hoàn. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trước đó tỉnh đã giao cho Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến, đây là đơn vị đầu tiên trong tổ chức sản xuất cà phê đã đưa ra các sản phẩm kinh tế tuần hoàn rất rõ ràng. Bên cạnh sử dụng bao bì là túi giấy trong bao gói sản phẩm, thì toàn bộ phụ phẩm trong quá trình chế biến cà phê được công ty chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Điều quan trọng với diện tích rừng lớn, Sơn La tập trung cho cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28 là phát thải ròng bằng không thông qua xây dựng chương trình, đề án tín chỉ carbon rừng. Điều này sẽ quay trở lại hỗ trợ cho bà con trồng rừng, hỗ trợ cho chương trình phát triển rừng của tỉnh, cũng như đảm bảo nguồn nước ổn định cho phát triển công nghiệp thủy điện khi mà Sơn La có 3 nhà máy thủy điện lớn gồm Sơn La, Huội Quảng, Nậm Chiến với tổng công suất 3100MW cùng 57 công trình thủy điện nhỏ đã được cấp phép đầu tư.

Ngoài ra, Sơn La cũng đang tiếp tục nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo khác như: Điện gió, điện tích năng, điện sinh khối điều này giúp cho ngành công nghiệp chế biến của Sơn La có nguồn năng lượng sạch để sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải carbon trong sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay.

Trà Vinh muốn bán tín chỉ carbon từ cây dừa

Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đang xét duyệt triển khai xây bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon, khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa, hướng đến tham gia thị trường carbon.

Theo TTXVN, lý do để Trà Vinh có kế hoạch nói trên là trong một nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ gần đây cho thấy, với cây dừa trồng hơn 10 năm, 1 hecta dừa có khả năng hấp thụ được 70-75 tấn CO2 mỗi năm .

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh trồng 27.390 hecta dừa, cho khoảng 444 triệu quả mỗi năm. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương và được UBND tỉnh Trà Vinh thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị nhiều năm qua.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang từng bước khai thác tiềm năng thị trường tín chỉ carbon từ cây lúa nằm trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

1