Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6%.
Mặc dù thanh khoản của các ngân hàng chưa quá căng thẳng, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì, nhiều khả năng một số ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Trước tình hình này, làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng không ngừng lan rộng. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 7/2024, đã có gần chục ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Làn sóng tăng lãi suất huy động chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, trong khi các ngân hàng nhà nước vẫn đứng ngoài cuộc. Điều này khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang dần phân hóa lớn.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh (Big 4) dao động quanh 1,6-2%/năm, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lên tới 3-3,4%/năm. Kỳ hạn 3 tháng của nhóm Big 4 là 1,9-2,3%/năm, còn của khối cổ phần tư nhân là 3,5-4%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm Big 4 ở mức 3-3,3%/năm, trong khi lãi suất của ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có nơi lên tới 5,6%.
Đối với kỳ hạn dài 12-18 tháng, các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn duy trì ở mức thấp 4,7%/năm, trong khi nhóm tư nhân có tới 11 ngân hàng niêm yết lãi suất lên tới trên 6%.
Với làn sóng tăng lãi suất, lãi suất huy động toàn thị trường đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 3/2024. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn 0,15-0,45 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng trên diện rộng thời gian qua chủ yếu do tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm. Áp lực tỷ giá cũng gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng. Hai động lực này dự báo sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia dự báo trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1%/năm, tùy kỳ hạn. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau.