Nhà yến phát triển ồ ạt, chất lượng yến… khó quản

(VOH) - Số lượng nhà nuôi chim yến liên tục tăng trong những năm gần đây và hiện cả nước 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến.

Tại hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu diễn ra vào sáng 16/2, Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến. Trong đó Kiên Giang có số lượng nhà nuôi chim yến lớn nhất nước với gần 3.000 nhà yến, kế đến là Bình Định với khoảng 1.700 nhà yến.

nhà yến
Số lượng nhà nuôi chim yến liên tục tăng trong những năm gần đây

Chim yến chính thức đã được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Theo bà Phạm Thị Kim Dung - Trưởng phòng giống, vật nuôi cục trồng trọt cho biết, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 10.572 nhà yến, Trung Bộ có 5.965 nhà yến, Đông Nam Bộ có 14.958 nhà yến, vùng Tây Nguyên có 1.969 nhà yến và các tỉnh phía Bắc có 200 nhà yến. Do yếu tố thời tiết nên nhà yến tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh miền Bắc lạnh vào mùa đông nên không phù hợp cho chim yến phát triển.

Tuy việc nuôi chim yến có hiệu quả cao, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, khó xây mới nhà yến do chờ quy hoạch lại, nhiều tỉnh chưa thống kê, cập nhật nhà yến, sản lượng tổ yến, các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Theo quy định của nghị định thư xuất khẩu chim yến sang Trung Quốc, yến cần được truy xuất nguồn gốc rõ ràng trước khi xuất khẩu sang quốc gia này.

Ông Trần Phương Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tổ yến Việt Nam bày tỏ: “Tôi thấy những yêu cầu này hoàn toàn chính đáng bởi tất cả tổ yến phải được truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng an tâm hơn. Chúng ta cần phải tuân thủ các quy định này để sản phẩm ngày càng tốt hơn, đáp ứng được những yêu cầu xuất khẩu của họ”.

Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, hiện nay hoạt động xuất khẩu tổ yến còn manh mún, chất lượng tổ yến thì nhiều chủng loại. Theo quy định mới, để xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải đăng ký và xác nhận mã số cơ sở nuôi chim yến.

Do vậy, ông Thắng cho rằng: “Để phát triển ngành yến bền vững, cần có ba 3 điều kiện. Thứ nhất, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất và quản lý sản phẩm yến theo chuỗi giá trị. Thứ hai, phải gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện hết sức quan trọng. Thứ ba, phải đảm bảo về an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học đối với cơ sở như yến và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến”.