Nhanh chóng lập lại trật tự việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt và trứng gia cầm!

(VOH) - Cho đến nay, về đề án truy xuất nguồn gốc, hiện đã có 14 tỉnh thành tham gia đề án truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường Thành phố Hồ Chí Minh...

Ngày 22/4, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai về triển khai Kế hoạch phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn giai đoạn 2021-2025 và Đề án Quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc. Sau đó, đoàn đã đến thăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có tham gia vào đề án.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm mục đích kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, Sở và Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã tổ chức triển khai kế hoạch 1039 ngày 26/5/2021 phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sản xuất trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Đồng Nai và Đề án quản lý nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm giai đoạn 2021-2025. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản xuất phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quan hệ cung - cầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

"Sự kết nối và quản lý an toàn thực phẩm từ khâu đầu vào, con giống rồi quy trình sản xuất cho đến tạo sản phẩm đầu ra, tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo kết hợp, gắn kết là chương trình thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển trong giai đoạn 2021-2025, gắn kết cụ thể đó là kế hoạch phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố với các phần việc cụ thể đặt ra", ông Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng! 1
Quang cảnh buổi làm việc

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên có nhiều ưu ái cho sự phát triển nông nghiệp của Đồng Nai. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được xác lập thực hiện 180 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 82 cơ sở với 85 giấy chứng nhận tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” chiếm 20,45% trên tổng số cơ sở tham gia Đề án chuỗi của Thành phố. 963 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của Thành phố Hồ Chí Minh với trên 6,4 triệu con heo thịt được đeo vòng truy xuất. Có 20 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án.

Là cơ sở tham gia đề án này, ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ cơ sở chăn nuôi Hoa Phượng đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cho biết, người chăn nuôi khi tham gia vào Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng mong muốn qua đó cung ứng ra thị trường mà nguyên liệu thực phẩm sạch, an toàn cho người dân, tuy nhiên về khó khăn cũng rất nhiều, trong đó có biến động về giá. "Người chăn nuôi bỏ tiền ra chăn nuôi, về phần cám thì các công ty đưa ra, quyết định giá. Mình nuôi con heo 5 tháng rưỡi 6 tháng sau bán ra thì thị trường quyết định, người đến mua quyết định chứ mình hoàn toàn phụ thuộc, không quyết định được giá bán ra. Nói chung giá con heo rất nhiều vấn đề", ông Thắng cho biết thêm.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đối với Đề án truy xuất nguồn gốc, heo sẽ được Chi Cục Chăn nuôi Thú Y quản lý, đeo vòng nhận diện. Khi xuất trại vòng truy xuất nguồn gốc sẽ được kích hoạt, khi đó người mua sẽ theo dõi được toàn bộ quá trình, bảo đảm để không có sự trà trộn nguồn heo lạ, đảm bảo an toàn trong việc nhận diện, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Khi đến lò mổ, cán bộ thú y sẽ dùng máy móc để kiểm tra tất cả các thông tin, không chỉ bằng cảm quan. Bà Lan cho biết: "Riêng chuỗi thực phẩm an toàn về thịt heo Đồng Nai chiếm 20%, trong khi tính tổng lượng heo thì Đồng Nai đảm nhận hơn 40% so với lượng heo chung đưa về Thành phố. Ngoài thịt heo thì tỉnh này còn cung cấp sản lượng lớn như thịt gà, thịt gia cầm. Điều chúng tôi muốn chia sẻ, thật ra để có được món ăn trên bàn của người dân thì khâu nguyên liệu rất quan trọng, phải được làm sạch từ đầu. Chúng ta cũng theo chiến lược chung của ngành nông nghiệp là làm sao có thể nâng tầm nông nghiệp lên."

Cho đến nay, về đề án truy xuất nguồn gốc, hiện đã có 14 tỉnh thành tham gia đề án truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Sau giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng giữa sản xuất và kinh doanh, các tỉnh thành trên cả nước đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế. Đây cũng là thời điểm mà theo đánh giá từ bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cần phải nhanh chóng lập lại trật tự để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.