Nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia

(VOH) - Ngày 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hãng luật Tilleke & Gibbins tổ chức hội thảo “Cơ hội kinh doanh và đầu tư tại thị trường Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia".

Tại hội thảo, các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều thông tin quan trọng về các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng tại các thị trường này. Đặc biệt là những vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, quản trị nhân sự, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư với những ưu đãi tại từng thị trường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh mới.

Các doanh nghiệp cùng quan tâm tìm hiểu thị trường tiền năng tại hội thảo

Các doanh nghiệp cùng quan tâm tìm hiểu thị trường tiền năng tại hội thảo

Ông Võ Tân Thành-Giám đốc VCCI tại TPHCM cho biết, với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015 đến nay, khu vực ASEAN đang là địa chỉ kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Đối với Việt Nam, ASEAN có sự đặc biệt, phù hợp với quá trình cải cách và hướng phát triển của Việt Nam. Các nước láng giềng ASEAN là thị trường tiềm năng không thể bỏ qua, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ và trên biển như: Lào, Campuchia, Thái Lan hay những thị trường mới như Myanmar. 

Trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng tăng cường quan hệ với các nước làng giềng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ thương mại và đầu tư. 

Về quan hệ thương mại, Thái Lan hiện là đối tác thương thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, và là đối tác đầu tiên trong khối này đạt mốc kim ngạch thương mại 10 tỉ đô la Mỹ với Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Thái Lan năm 2018 đạt trên 17,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15% so với năm 2017.  Bên canh đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Myanmar cũng tăng trưởng tích cực.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều với Campuchia đạt trên 4,7 tỉ đô la Mỹ, với Lào đạt trên 1 tỉ đô là Mỹ, và với Myanmar đạt gần 860 triệu đô la Mỹ. Đáng chú ý là riêng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia trong năm 2018 đã gần bằng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2017 và kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào năm 2018 đã vượt mục tiêu hai chính phủ đề ra.

Trong các nước này, hiện nay Việt Nam chỉ đang nhập siêu từ Thái Lan, do đa số các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường này là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, ô tô là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ Thái Lan về Việt Nam. Trong năm 2018, Thái Lan là thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước này một số mặt hàng như: điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Sắt thép; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Hàng dệt may; Dầu thô; Xăng dầu…

Ở chiều ngược lại, trước đây Việt Nam thường nhập khẩu từ các thị trường này những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như: xăng dầu các loại, nguyên phụ liệu dệt may da giày, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam nhập thêm một số mặt hàng  phục vụ gia công xuất khẩu và hàng tiêu dùng như: máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; ô tô…

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước này tuy đạt nhiều thành quả đáng khích lệ nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng và tính chất quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia này. Do vậy, cả chính phủ, nhân dân các bên đang nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ thương mại với Việt Nam lên tầm cao mới. Đơn cử như mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Thái Lan lên 20 tỉ USD năm 2020 hay tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng trên 10% của kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào trong năm nay.

Về quan hệ đầu tư, tính đến hết năm 2018, hiện Thái Lan xếp thứ 9 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 528 dự án, tổng vốn đăng ký gần 10,5 tỉ đô la Mỹ. Tiếp theo lần lượt là Lào, xếp thứ 52 với 7 dự án, tổng vốn đăng ký gần 70 triệu đô la Mỹ, Campuchia xếp thứ 56 với 20 dự án, tổng vốn đăng ký trên 64 triệu đô la Mỹ  và Myanmar xếp thứ 99 với 1 dự án, tổng vốn đăng ký 800 ngàn đô la Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang có nhiều dự án đầu tư vào các quốc gia này. Hiện Việt Nam đang đầu tư gần 26 triệu đô la Mỹ vào Thái Lan với các dự án tiêu biểu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, NAGATA Automotive Pacific Co. Ltd, Buffalo Tours Ltd... Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nằm trong top 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, Campuchia và Myanmar. 

Hiện đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đứng thứ 3 trong số các nước có dự án đầu tư tại Lào. Hai dự án tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam là dự án thủy điện Xekaman 1 và Xekamanxanxay.

Tại Camphchia, Việt Nam có khoảng 206 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là trên 3 tỉ  đô la Mỹ , nằm trong top 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar với 70 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ.

Ở Myanmar, Việt Nam đang có hơn 200 doanh nghiệp đang hiện diện với nhiều hình thức khác nhau như: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu của Việt Nam đang triển khai có hiệu quả tại đây bao gồm: Trung tâm Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangoon, đường bay thẳng Việt Nam-Myanmar của Vietnam Airlines và Vietjet Air, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mạng viễn thông của Viettel tại Myanmar (Mytel)...

Theo VCCI, thông qua hội thảo này sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp cập nhật thông tin về thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư mới tại các thị trường tiềm năng này.