Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, một số vướng mắc liên quan tới gói hỗ trợ lãi suất 2% có thể kể tới như: bản thân doanh nghiệp chưa mặn mà và cũng rất quan ngại “nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sau này bị thanh tra, kiểm toán nên họ không muốn”.
Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Việc đánh giá khả năng phục hồi như thế nào còn đang gặp khó.
“Chúng tôi báo cáo cấp thẩm quyền chỉnh sửa việc này" - ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.
Xem thêm: Gói hỗ trợ lãi suất 2%: ngân hàng không "mặn mà", doanh nghiệp khó tiếp cận
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng thừa nhận: Tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm, vì thế Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi những vướng mắc.
Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra một số phương án như: Điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt cho vay giải quyết việc làm hoặc chuyển số tiền chưa giải ngân của gói vay này sang chương trình miễn giảm thuế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Hiện tại, Ngân hàng nhà nước đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách nên sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. Việc sửa đổi Nghị định 31 đang mất nhiều thời gian và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác.