Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nhiều giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" cho nghề cá Việt Nam

(VOH) - Tính đến nay, EU đã cảnh báo thẻ vàng và phạt thẻ đỏ đối với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam.

Ngày 15/7, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) phối hợp với trường Đại học Liège - Vương quốc Bỉ và Đại học UCD - Ireland tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đến từ Vương Quốc Bỉ, Ireland và đông đảo cán bộ quản lý, lực lượng chấp pháp, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM)
Các đại biểu tham gia hội thảo. 

UNCLOS nền tảng pháp lý quốc tế quan trọng để xác lập và thực thi chủ quyền trên biển

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS), Liên hợp quốc và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO đã xây dựng và cụ thể hóa các nguyên tắc quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm với các công cụ pháp lý ràng buộc và tự nguyện điển hình qua các Hiệp định, Bộ quy tắc ứng xử cùng các Hướng dẫn liên quan nhằm mục tiêu khai thác, quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển và đa dạng sinh học bền vững cho hiện tại và tương lai. 

Là khu vực tiên phong trong việc xây dựng và thực thi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát và loại bỏ hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (Illegal Unreported and Unregulated fishing - IUU), trên cơ sở Chiến lược về phòng chống IUU và Chính sách nghề cá chung, ngày 29/9/2008, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định số 1005/2008 nhằm cảnh báo và áp đặt các biện pháp thương mại đối với tàu cá và quốc gia ủng hộ IUU có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.

Tính đến nay, EU đã cảnh báo thẻ vàng và phạt thẻ đỏ đối với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. 

Theo PGS-TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, sau khi bị Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng ngày 23/10/2017, Việt Nam đã nhanh chóng, nghiêm túc thực hiện tổng thể các biện pháp từ ban hành đến thực thi pháp luật về quản lý, khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản phù hợp với các khuyến nghị của EU nhằm tháo gỡ thẻ vàng. Đồng thời, quyết tâm xây dựng ngành thủy sản Việt Nam có trách nhiệm, phát triển hiện đại, bền vững phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. 

"Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn luận về khung pháp luật quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản trên biển; mô hình quản lý nghề cá của một số quốc gia - kinh nghiệm cho Việt Nam; các biện pháp chế tài đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định; khuyến nghị giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam" - PGS  TS Lê Vũ Nam cho biết. 

đánh cá
Ngư dân khai thác hải sản (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp vẫn diễn ra

Phát biểu tại hội thảo GS TS Nguyễn Bá Diến - Giảng viên cao cấp Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo đã thông tin tổng quan pháp luật quốc tế về khai thác thủy sản trên biển.

Theo đó có những bất cập như: UNCLOS 1982 không đưa ra sự hạn chế đáng kể nào đối với các quốc gia ven biển trong việc cho phép hay không cho phép nước ngoài tiếp cận nguồn cá dư trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề phân bổ các loài cá di chuyển giữa các vùng đặc quyền kinh tế; Phần lớn các điều ước quốc tế khu vực về khai thác thủy sản trên biển đều không thành công trong việc bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên nghề cá dưới sự kiểm soát của các ủy ban về nghề cá...

Từ đó những kiến nghị được đưa ra như: Tăng cường rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định còn hạn chế/bất cập của pháp luật quốc tế về khai thác thủy sản trên biển; Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân trên biển, Tăng cường việc công nhận UNCLOS 1982, Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế song phương và khu vực...

"Đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định IUU mỗi năm gây thiệt hại từ 11 đến 26 triệu tấn cá, chiếm 15 đến 30% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn thế giới. IUU gây thiệt hại khoảng 20% tổng giá trị sản lượng thủy sản cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam tổn thất khoảng 1.6 tỷ USD. Đồng thời IUU làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái biển, gây hậu quả rất lớn đối với nguồn cung cấp thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực, tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội toàn cầu" –  PGS TS Ngô Hữu Phước, Giảng viên khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, nói. 

Từ thực tế đó, PGS TS Ngô Hữu Phước khuyến nghị: Việt Nam cần rà soát nội dung của các công cụ pháp lý tự nguyện của FAO để xây dựng bộ quy tắc Nghề cá có trách nhiệm của Việt Nam, Sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành; Nghiên cứu xây dựng Luật khai thác thủy sản trên biển hoặc Luật về nghề cá; Nhanh chóng đàm phán ký kết Hiệp định Nghề cá mới trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc...

Với các quốc gia trong khu vực Biển Đông thì cần tích cực đàm phán để phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn; ASEAN và Trung Quốc cần thỏa thuận thành Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Biển Đông....

Dưới góc độ quản lý nhà nước, đánh giá cao tham luận của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra thêm các vấn đề cần thảo luận như: Hình sự hóa các hành vi IUU như thế nào là phù hợp theo chuẩn quốc tế? Từ 12 năm trước, các cơ quan quản lý nhà nước đã có đưa ra các ý tưởng đề xuất thành lập 1 tổ chức quản lý chung ở vùng nước có thẩm quyền nhưng vấp phải những khó khăn cần bàn thêm?...

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung cũng mong muốn các đại biểu mở rộng nghiên cứu thêm các quy định của Hoa Kỳ về chống khai thác IUU với nhiều điểm khác biệt về lao động nghề cá so với quy định của EC.

Một trong những nguyên nhân để xảy ra IUU là do vấn đề phân định biên giới hiện nay. Về vấn đề này TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trăn trở: Mặc dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp vẫn diễn ra. Theo ông có những nguyên nhân chính phải được nhìn nhận khách quan như người ngư dân chưa biết vùng được phép đánh cá đến đâu do Biển Đông đang tồn tại các vùng chồng lấn chưa được phân định rõ ràng. Do đó các cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề này, thông tin đến các tổ chức quốc tế để không vội vàng kết luận ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép. Bên cạnh đó các quốc gia ven biển phải xác định rõ trữ lượng thủy sản để có giải pháp phù hợp. 

Hội thảo cũng nghe những phân tích xung quanh chủ đề Khung pháp lý cho hợp tác của ASEAN chống lại IUU: Vai trò, thách thức và giải pháp (PGS TS Trần Thăng Long, Trường Đại học Luật TPHCM); Tháo gỡ thẻ vàng của EC cho nghề cá Việt Nam: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài (TS Tô Văn Phương, Trường Đại học Nha Trang), Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ dưới góc so sánh và một số khuyến nghị cho Việt Nam (TS Vũ Kim Hạnh Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật). 

Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan hữu quan một số giải pháp hiệu quả góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.

Bình luận