Nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

(VOH) - Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng chặng đường sản xuất hữu tại Việt Nam còn vô vàn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề thương mại sản phẩm…

Những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như thị trường tiêu thụ chưa thực sự phát triển, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…là những vấn đề được chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 28/9.

Xem thêm: Cần điều kiện gì để được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ?

Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến”
Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau 3 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh: “Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ được phát triển khai mạnh mẽ, đang từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của chúng ta đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ”.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường sản xuất hữu cơ phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Bùi Hồng Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vinamit thì làm hữu cơ để vượt qua khó khăn, đứng được trên thị trường thì đó là lòng tin.

Ông Quân nêu ý kiến: “Chúng tôi làm hữu cơ là làm hữu cơ thực tế, làm trực tâm. Hiện nay, chúng tôi có hơn 10 trang trại, tất cả đều áp dụng hữu cơ. Chúng tôi không phải là đơn vị sản xuất hữu cơ lớn, cũng không phải là đơn vị hữu cơ đầu tiên nhưng chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị hữu cơ mà làm thật nhất cho đến giờ”.

Ông Quân cũng dẫn chứng rằng một số trường hợp trồng hữu cơ diện tích nhỏ, sau đó bán sản phẩm với cái số lượng lớn, nghĩa là lấy giấy chứng nhận nhưng mà thực chất thì thu mua ở những nơi khác để bán, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Xem thêm: Mở rộng thị trường xuất khẩu hồ tiêu bằng nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Tuy nhiên để tạo được lòng tin với người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cũng như người nông dân phải tự khẳng định mình. Nhưng để khẳng định mình, vượt qua rào cản về chi phí sản xuất sản phẩm hữu cơ, tạo được lòng tin lẫn nhau thì cần nhiều yếu tố.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty G.C Food chia sẻ: “Một trong những lý do khiến giá thành sản phẩm hữu cơ cao, đó là do quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình chưa được nâng cao lên. Vì thế để giảm giá thành thì một trong những yêu cầu đầu tiên đó là quy mô sản xuất phải tăng để sản lượng nhiều hơn, từ đó mới cắt giảm được giá thành.

Thứ hai là cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Góc độ người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn mức giá thông thường một chút để nhà sản xuất có đầu ra một cách ổn định, lâu dài. Như vậy, các nhà sản xuất mới mạnh dạn đầu tư quy mô lớn và từ đó thị trường mới tăng trưởng đều được”.