Quốc hội thảo luận ở hội trường về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

(VOH) - Sáng 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Sáng nay 05/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu về Hiệp định CPTPP.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Hiệp định CPTPP. Ảnh: TTXVN

Cơ bản nhất trí với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, nhiều đại biểu nêu rõ, tham gia CPTPP mở ra cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Tuy nhiên xét về lâu dài, thì cơ hội, lợi thế nhiều hơn thách thức. Do vậy, nên tham gia và phê chuẩn Hiệp định CPTPP càng sớm càng tốt.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình cho rằng, việc ký hiệp định thương mại sẽ tạo điều kiện mở rộng cơ hội thương mại đầu tư với 3 thị trường mới ở Châu Mỹ, cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối quan hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng, cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng việc làm cho người lao động, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân… Tuy nhiên kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định này nhưng cũng không khỏi lo lắng những cơ hội từ hiệp định này có thể không thành hiện thực, qua bài học 10 FTA đang thực thi. Chúng ta cần có những bước chuẩn bị kỹ càng trước khi hiệp định có hiệu lực. "Chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành chính sách mới hay văn bản, không phải do hiệp định trực tiếp yêu cầu, nhưng cần thiết điều chỉnh dưới tác động của hiệp định. Ví dụ, để thực hiện cam kết về thuế quan của hiệp định. Chúng ta đã dự kiến ban hành về biểu thuế XNK ưu đãi nhưng chúng ta chưa có dự kiến nào về chính sách để cân đối bù đắp nguồn thu ngân sách do loại bỏ thuế từ các cam kết. Ví dụ các biện pháp cắt giảm chi,...."

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh nhận định, khi tham gia hiệp định, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay ở thị trường trong nước ở cả 3 cấp độ sản phẩm doanh nghiệp và quốc gia, gây ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam. "Đề nghị Chính phủ có những chính sách các giải pháp nhằm hạn chế các thách thức đối với NLĐ, DN khi tham gia CPTPP. Hoặc có thể xây dựng các phương án hay kịch bản nhằm thích ứng đối với các thách thức khi thực thi cam kết. Quốc hội chính phủ làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài biết việc nước ta tham gia hiệp định CPTPP và những nội dung chính của hiệp định…."

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa, qua rà soát pháp luật hiện hành của Việt Nam, các vấn đề liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt trong lao động về cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động Quốc tế và cam kết của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, việc thực thi các quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề lao động còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu thực tế: "Thực tế, để thực thi nghiêm túc các cam kết của hiệp định CPTPP Chính phủ phải dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động nước ta chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động trong khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ trọng lao động trẻ em lớn. Việc sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp và hoạt động dịch vụ còn khá phổ biến, đây là vấn đề cần được xem xét và rà soát để chúng ta điều chỉnh và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp."

** Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, và nghe Báo cáo thẩm tra về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày. Trao đổi bên hành lang quốc hội, đa số các đại biểu đánh giá, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích chung của quốc gia mà mục tiêu là tiếp tục phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội, thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu theo Nghị quyết mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 ngày 22/11/2016 là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho biết: "Việc này dựa trên lợi ích chung của quốc gia mà mục tiêu của chúng ta là tiếp tục phát triển du lịch để qua đó góp phần vào phát triển kinh tế xã hội thì lần này trình để tiếp tục gia hạn".