Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại - bất cập giữa quy hoạch và thực thi (P.3)

(VOH) – Chính quyền cùng sở ban ngành Thành phố duy trì công tác quản lý bằng nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn đến người tiêu dùng.

Vì mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân

Chính quyền cùng sở ban ngành Thành phố luôn duy trì công tác quản lý bằng nhiều giải pháp cụ thể phù hợp thực tiễn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn đến người tiêu dùng. Với những khó khăn và bất cập hiện tại, quá trình quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp hiện đại tại TPHCM vẫn còn một chặng đường nhiều thách thức phía trước.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa vấn đề an toàn vệ sinh với các sản phẩm thịt đang bị buông lỏng. Chính quyền cùng sở ban ngành Thành phố luôn duy trì công tác quản lý bằng nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn đến người tiêu dùng.

Vì mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhân viên thú y túc trực tại lò mổ thủ công Hòa Phú, Củ Chi được trang bị hệ thống camera giám sát. Ảnh: Minh Phước

Chấm dứt việc giết mổ nhỏ lẻ

Việc xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung trên địa bàn Thành phố theo hướng hiện đại, với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến là yêu cầu cấp thiết. Khi đó, Thành phố mới có thể quản lý và ngăn ngừa hiệu quả việc lây lan dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả trong ngành chăn nuôi, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Trần Thị Đức Hồng Phi, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hóc Môn cho rằng khó khăn vẫn còn phía trước. “Đa phần làm thủ công sẽ giải quyết lượng nhân công lớn. Bây giờ chuyển qua công nghiệp thì nhân công lò thủ công sẽ không thể đáp ứng được, muốn thì phải đào tạo lại. Và trong đó sẽ có những gút mắt giữa các thương lái với nhau, cho nên các cơ sở muốn đi vào hoạt động công nghiệp tốt thì các cơ sở phải tăng cường tuyên truyền và có những chính sách để kêu gọi thương lái về làm với mình", bà Phi cho biết.

Ông Nguyễn Văn Trúng, chủ cơ sở giết mổ heo thủ công ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi cho biết cơ sở này nhận giết mổ từ nguồn heo của dân địa phương nuôi với công suất 50 con/đêm, thịt được phân phối ngay trên địa bàn xã. Ngay khi được tuyên truyền về việc đăng ký thực hiện giết mổ công nghiệp thay thế cho giết mổ thủ công, ông và các thương lái đều đồng ý.

“Việc đăng ký giết mổ công nghiệp thì tôi đã đăng ký. Thương lái ở đây cũng đồng ý giết mổ công nghiệp. Nhà nước mở cửa chỗ nào thì thương lái sẽ đến chỗ đó. Khi thực hiện giết mổ công nghiệp, máy móc sẽ hiện đại hơn. Giết mổ công nghiệp sẽ sạch hơn giết mổ thủ công”, ông Trúng nói.

Vì mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm

Heo được bỏ vào lồng từng con chở đến lò mổ thủ công. Dấu hiệu trên lưng heo cho thấy heo đã được lực lượng thú ý kiểm tra từ cơ sở chăn nuôi.

Tăng cường hỗ trợ cơ sở giết mổ công nghiệp

Hưởng ứng chủ trương của Thành phố, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn đã đầu tư Dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng với dây chuyền công nghiệp, công suất được thiết kế là 2.000 con/ngày. Đây là Nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại duy nhất tại TPHCM cho đến thời điểm này.

Thế nhưng, theo ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, công ty như đang ngồi trên đống lửa khi nhà máy hiện chỉ giết mổ có 300 con/ngày do phần đông thương lái vẫn chọn giết mổ thủ công. Nhà máy được đầu tư hiện đại, chi phí đầu tư lớn nhưng chỉ vận hành được rất nhỏ so với công suất nên dẫn đến tình trạng thua lỗ, dây chuyền sản xuất có nguy cơ bị hư hỏng, xuống cấp.

Ông Tô Văn Liêm mong mỏi chủ trương Quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 sẽ được thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới.

“Tất cả các cơ sở giết mổ công nghiệp phải khẩn trương đầu tư, xây dựng và có thời gian cụ thể kết thúc giai đoạn không còn hoạt động thủ công. Để làm sao tạo điều kiện cho các cơ sở, nhà máy công nghiệp hoạt động có hiệu quả”, ông Liêm đề nghị UBND Thành phố xem xét.

Từ thực tế cho thấy, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn đã rất nỗ lực thực hiện chủ trưởng giết mổ công nghiệp của Thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có cái khó riêng. Công suất dây chuyền giết mổ công nghiệp 2.000 con/ngày nhưng ráng hết sức chỉ làm được 300 con. Lý do là thương lái đổ về các tỉnh giết mổ thủ công vì giá thành thấp, đáp ứng được yêu cầu nhanh của thị trường.

Từ thực tế của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn và các doanh nghiệp khác, Thành phố cần cân nhắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tốt chủ trương chung. Thành phố nên xem xét không nhập hàng gia súc gia cầm giết mổ thủ công từ các tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt chủ trương, phát triển bền vững để qua đó có thêm điều kiện đóng góp xây dựng và phát triển Thành phố.

Huy động nguồn lực đầu tư

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận chuyển đến tiêu thụ là mục tiêu mà thành phố hướng đến. Theo chủ trương của UBND TP, bắt buộc đến cuối năm 2018 phải hoàn thành việc xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp, không còn tồn tại các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn TPHCM.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố đề cập đến hướng huy động nguồn lực đầu tư: "Thành phố tạo mọi điều kiện thông thoáng, kêu gọi đầu tư. Và có những chính sách để giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư chứ không chỉ Nhà nước làm. Trong quá trình này kéo dài thời gian doanh nghiệp hưởng chính sách ưu đãi đó và tạo điều kiện thuận lợi nhất".

UBND Thành phố chủ trương công khai quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến công nghiệp, vùng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời công bố quy hoạch vùng sản xuất giống, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gắn với thị trường tiêu thụ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy giết mổ.

“Giết mổ hiện đại phải đầu tư lớn hơn thì tiền cũng nhiều hơn nhưng TP phải làm. Đã chăn nuôi theo trang trại, theo quy mô lớn thì phải giết mổ hiện đại mới đáp ứng được, chứ không thể khập khiễng vừa giết mổ thủ công, vừa giết mổ công nghiệp", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố nhấn mạnh.

Thành phố luôn quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách, thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp. Việc di dời hoặc đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu.  Thành phố đã và đang hướng tới mục tiêu giết mổ gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng.

Tin rằng, với sự nỗ lực của các cơ quan ban ngành, người dân có cơ sở vững chắc để đồng tình, ủng hộ những chính sách, giải pháp trong công tác quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm công nghiệp hiện đại trên địa bàn Thành phố.