Rau quả tươi Việt Nam chật vật tìm đường xuất khẩu

(VOH) - Khi Trung Quốc tăng cường biện pháp kiểm nghiệm thì lập tức kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản, trái cây của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm đến 15% trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong khi trước đó, mặt hàng này có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất của ngành nông nghiệp. Có thời điểm, sản phẩm rau quả xuất khẩu có mức tăng trưởng ngang bằng, thậm chí vượt qua cả mặt hàng cà phê, bỏ xa các mặt hàng chủ lực khác như gạo, tiêu, điều...

Để lấy lại vị thế xuất khẩu, thị trường nông sản nói chung và ngành rau củ quả nói riêng đang nỗ lực tìm thị trường mới và dần nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chí, yêu cầu mới của thị trường cũ.

Khó vượt qua hàng rào kỹ thuật

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Unifarm cho biết, khi xuất khẩu bất kỳ loại nông sản, trái cây qua bất kỳ quốc gia nào, thì quốc gia sở tại họ sẽ có một danh mục cao nhất thuốc bảo vệ thực vật được cho phép. Riêng thị trường châu Âu, danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở nước này quy định cực kỳ thấp, ở mức khoảng 0,001, 0,002/triệu PPM.

Theo ông Liêm: “Để một loại trái cây đạt chuẩn không chứa một hóa chất nào (không vượt quá 0,001 PPM) hầu như rất khó, không tài nào đáp ứng được. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khi rất nhiều doanh nghiệp phải đi thu gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì để yêu cầu rằng loại nông sản nào đó đáp ứng 100% tiêu chuẩn của châu Âu thì thực sự khó khăn. Muốn làm được điều này chúng ta phải hình thành doanh nghiệp lớn, có điều kiện để sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn đạt tiêu chuẩn, hoặc chúng ta hình thành chuỗi giá trị liên kết hợp tá xã, có nguồn hàng ổn định về chất kể cả về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm như thế, khi đó chúng ta mới hy vọng rằng đáp ứng được quy định của châu Âu về tiêu chuẩn kỹ thuật này”.

thanh long, xuất khẩu trái cây

Trái thanh long là loại hàng chiếm thị phần cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam những tháng đầu năm (Ảnh: Hà Lan)

5 tháng đầu năm nay, nhóm hàng rau củ quả gặp khó khăn khi Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đã tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ngay lập tức, kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam sang thị trường này giảm 15% so với năm 2019.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay: “Năm nay họ dựng lên hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu trái cây của chúng ta, trong đó Trung Quốc chấm dứt việc xuất khẩu bằng tiểu ngạch và đưa xuất khẩu trái cây Việt Nam vào con đường chính ngạch. Chỉ cho phép 9 loại trái cây xuất đi thôi, thực hiện mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc…”.

Nhìn nhận một số mặt hạn chế hiện nay của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương chỉ ra: “Việc hỗ trợ cung cầu đó là hạ tầng logistics của chúng ta còn nhiều nan giải, chưa đáp ứng được việc này, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản đòi hỏi tính thời vụ, công tác bảo quản áp dụng khoa học công nghệ, và hạ tầng về giao thông vận tải là hết sức quan trọng thì vấn đề này còn rất nhiều bất cập”.

Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được thị trường khó tính?

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu mới. Đến nay, cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Rau củ quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số thị trường tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020 như, ASEAN tăng gần 27%, Mỹ tăng gần 11%, EU tăng hơn 32%, Hàn Quốc tăng hơn 12%, Nhật Bản tăng hơn 26%… Những thị trường này được Bộ Công thương đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng, do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do.

thơm, khóm, xuất khẩu nông sản

Để tăng cường cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp cũng chú trọng nhiều hơn đến khâu bảo quản nông sản. (Ảnh: Hà Lan)

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chú trọng nhiều hơn đến khâu bảo quản nông sản. Giai đoạn 2018-2019, Việt Nam có 30 dự án lớn về chế biến nông sản, vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đô la Mỹ khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất. Hiện tốc độ tăng trị giá hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7% - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Từ đó, hình thành các cụm liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên: “Doanh nghiệp phải tiếp tục giữ vững sản phẩm, thúc đẩy sản xuất bình thường, tuy nhiên cần có sự điều tiết và nắm chắc diễn biến của dịch bệnh, điều tiết kế hoạch sản xuất để làm sao sản lượng có thể giải vụ ra được, tránh việc bị ứ đọng cục bộ trong một số thời điểm nhất định”.

Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chế biến càng rộng mở. Tổng trị giá xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến trên thế giới lên tới 2.200 tỷ đô la Mỹ/năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thị trường này còn rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt cần chủ động được nguồn cung nguyên liệu, chủng loại, chất lượng, thời điểm, mức độ an toàn, đến giá mua nguyên liệu:

Theo ông Nguyên: “Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, hàng năm chiếm khoảng 60-70% khối lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, các thị trường khác chiếm khoảng 1/3. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, chúng ta phải chuyển đổi lại cách trồng trọt, tìm kiếm thị trường mới để làm sao tăng khối lượng xuất khẩu vào các thị trường khác từ 30% có thể tăng từ 50-70%”.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”. Theo đó, điều cần làm trước mắt là triển khai nhanh các giải pháp như vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp - nhà nông, ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến gắn kết với vùng trồng nguyên liệu.

Đồng thời, gấp rút hoàn thiện bộ máy dự báo và thông tin thị trường, cập nhật thông tin, chính sách thương mại của các thị trường xuất khẩu chủ lực, đây cũng là khâu quan trọng để đưa ngành nông sản chế biến Việt Nam nói chung và xuất khẩu trái cây nói riêng có mặt trong danh sách các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Bộ NN-PTNT: Nhập heo sống về nhằm bình ổn giá thịt heo trong nước - Vừa qua, để giảm nhiệt giá thịt heo trong nước đang tăng cao, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho nhập lô heo sống đầu tiên vào phía Nam để tái đàn, tăng đàn.

Giá Bitcoin hôm nay 17/6/2020: Giảm nhẹ, Không quân Mỹ phát triển blockchain - Giá Bitcoin ngày 17/6 ghi nhận giảm nhẹ, tuy nhiên nhiều đồng tiền điện tử giá trị khác lại tăng. Bitcoin hiện đang giao dịch ở mức 9.400 USD. 

Bình luận