Do vậy, có thể nhân nhanh sinh khối thu nhận hoạt chất thay vì canh tác ngoài tự nhiên đòi hỏi thời gian dài, năng suất thấp và điều kiện canh tác khá đặc biệt.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, từ năm 2011 - 2015, chị Hà Thị Loan - Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu đề tài nuôi trồng rễ tơ sâm Ngọc Linh làm luận án tốt nghiệp Tiến sĩ. Sau đó, đề tại được một tổ chức nước ngoài tài trợ nghiên cứu thêm. Năm 2018, nhận thấy hiệu quả của rễ tơ sâm Ngọc Linh sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh bắt đầu thương mại hóa sản phẩm và hiện nay đã chuyển giao quy trình sản xuất khối rễ tơ sâm Ngọc Linh cho một số doanh nghiệp. Phóng viên VOH có trao đổi với TS Hà Thị Loan - phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh về quá trình nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm rễ tơ sâm Ngọc Linh:
* VOH: Vì sao Tiến sĩ chọn nghiên cứu rễ tơ sâm Ngọc Linh, một dược liệu quí chỉ có thể sinh trưởng tốt ở vùng núi Ngọc Linh?
TS Hà Thị Loan: Sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, trong sâm Ngọc Linh có nhiều hoạt tính tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt, cây sâm này có yêu cầu sinh trưởng khó hơn những cây khác, như phải ở vùng núi Ngọc Linh và điều kiện nhiệt độ thấp, độ cao phải trên 1.000m, thời gian thu hoạch lâu khoảng 5-6 năm mà trọng lượng rất nhẹ (khoảng 88gram) (trong khi sâm Hàn Quốc chỉ trồng 3 năm là thu hoạch), nên sâm NL không đủ cung cấp cho thị trường. Chính điều kiện đó khiến cho sâm NL có giá cao, xuất hiện những vụ buôn bán sâm NL giả. Trong những năm qua, việc khai thác, mua bán sâm Ngọc Linh quá mức khiến sâm mọc tự nhiên dần cạn kiệt nên người ta đã tiến hành nhân giống và trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do thời gian nuôi trồng kéo dài và năng suất thấp.
Xuất phát từ vấn đề đó, chúng tôi tiến hành nhân giống và nuôi cấy rễ tơ sâm trong phòng thí nghiệm, không phải trồng trên núi xa mà có thể thu được sinh khối nhiều, thời gian nuôi cấy ngắn. Nhờ vậy, chúng ta có thể triển khai sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, phục vụ cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,...
* VOH: Nuôi cấy công nghiệp rễ tơ sâm ngọc linh thì các hoạt chất saponin trong đó có bằng với củ sâm ngoài tự nhiên?
TS Hà Thị Loan: Tất nhiên hàm lượng hoạt chất của rễ sâm Ngọc Linh nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không thể bằng sâm tự nhiên. Tuy nhiên, so với sâm tự nhiên, rễ tơ sâm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lại có nhiều điểm vượt trội về thời gian trồng ngắn, cho sản lượng cao, giá cả phù hợp, không phụ thuộc vào điều kiện địa hình, thời tiết… nên có thể sản xuất nhiều để bù lại lượng saponin tự nhiên. Thời gian nuôi cấy rễ chỉ mất 3 tháng và thêm 2,5 tháng thu thành phẩm nên một bình dung tích 18l thì thu hoạch được 1kg rễ tơ sâm NL. Thêm nữa, việc sản xuất theo quy trình sẽ đảm bảo ổn định nguồn cung sâm NL cho thị trường, người tiêu dùng tránh được rủi ro mua sâm NL giả.
* VOH: Từ nghiên cứu, thực nghiệm, thì hiện nay Trung tâm đã thương mại hóa rễ tơ sâm NL như thế nào?
TS Hà Thị Loan: Hiện nay, chúng tôi đã sản xuất sinh khối rễ tơ và bán cho công ty TNHH Navilife để họ sản xuất nước uống sâm NL dạng chai hoặc đóng túi; bán cho công ty Hoàng Linh biotech để làm viên nang sâm NL kết hợp đông trùng hạ thảo, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất sinh khối rễ tơ cho công ty này; chúng tôi cũng vừa chuyển giao tiếp thêm công nghệ sản xuất sinh khối rễ tơ cho Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam. Nếu DN chưa thể đầu tư hệ thống nuôi cấy rễ tơ thì trung tâm có hợp đồng cung cấp cho họ sinh khối rễ tơ. Tuy nhiên, sản lượng hiện nay Trung tâm chỉ có khả năng sản xuất 150kg rễ tơ cho các đối tác trên.
* VOH: Ngoài việc sản xuất rễ tơ sâm NL làm nước uống, Trung tâm còn có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm nào khác từ rễ tơ không?
TS Hà Thị Loan: Ngoài sản xuất viên nang và làm nước uống từ rễ tơ, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng rễ tơ vào mỹ phẩm chăm sóc da, chống lão hóa cho phụ nữ tuổi trung niên.
* VOH: Xin cảm ơn TS!