Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia VN phối hợp với Hội Trọng tài Thương mại TP.HCM và Mạng lưới Nữ lãnh đạo Quốc tế tổ chức với sự tham dự của các Luật sư, nhà nghiên cứu luật tại TPHCM và các Doanh nhân đến từ Câu lạc bộ Doanh nghiệp TPHCM.
Trong thời gian vừa qua, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng phổ biến, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có quá trình hội nhập mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, điều này giúp thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài và một trong những hình thức để hiện thực hóa điều đó là M&A.
Mua bán và sáp nhập (M&A) là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh toàn cầu, là yếu tố quan trọng của nền kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Với chủ trương hội nhập quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tạo ra khuôn khổ pháp lý rộng mở, đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư thông qua kênh M&A. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không những cần có nền tảng kiến thức sâu sắc về bản chất, mà còn phải hết sức lưu ý các vấn đề pháp lý cơ bản, nhằm thực hiện hiệu quả hơn hoạt động của M&A, nâng cao ưu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam thì, hoạt động M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại cổ phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác. M&A là hoạt động phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực từ quản trị doanh nghiệp, tài chính cho đến pháp lý. Vì vậy, sự thành công của các thương vụ M&A luôn là một bài toán khó và tạo ra những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt. Luật sư Hậu lưu ý với các doanh nghiệp khi tiến hành mua bán, sáp nhập cần tìm hiểu kỹ và thống nhất về phương án sử dụng người lao động, tài chính công nợ, sở hữu trí tuệ, do đây là những nguyên nhân dễ dẫn đến tranh chấp hậu sáp nhập. Và khi xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp nên cân nhắc chọn trọng tài thương mại để giải quyết thay vì tòa án.
Luật sư Vũ Trọng Khang - Phó Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM cho biết, khi có thỏa thuận của trọng tài thương mại thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết tranh chấp. Và với phương thức trọng tài, các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng.
Dưới góc độ pháp lý, M&A là một hoạt động đầu tư phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh. Với mục tiêu cung cấp những thông tin hữu ích, từ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giao dịch M&A hiệu quả, hạn chế được những rủi ro không đáng có.