Chờ...

Sức ép về kiểm soát lạm phát rất lớn: 6 tháng cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhiều thách thức

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất: đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất: đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dung, phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu khai mạc tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay 2/7 (Ảnh: Chinhphu)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Hiện tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta.

Những ngày gần đây, dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. OECD đưa ra 2 kịch bản: Nếu đại dịch bùng phát lần hai, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%).

Đối với trong nước, ảnh hưởng của COVID-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ đô la Mỹ. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng gần 12% so với tháng 4 và tháng 6 tăng hơn 10% so với trong tháng 5. Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng gần 28%...

“Đặc biệt là kích cầu du lịch và hàng không nội địa khá thành công, chúng ta thấy tất cả các khách sạn trong cả nước, từ TPHCM ra, từ Phú Quốc, khu vực miền Trung, miền Bắc đến Lào Cai… gần như khách sạn kín chỗ. Khách nội địa của Việt Nam tăng 2% so với cùng kỳ.

Có những hãng máy bay như hãng hàng không quốc gia Việt Nam tăng doanh thu đến 1.000 tỷ đồng… Chúng ta sớm phát động tinh thần du lịch nội địa này để xử lý vấn đề thiệt hại khách quốc tế 21 triệu người không đến được Việt Nam”.

Phân tích tình hình trong nước và thế giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho hay, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, các tổ chức vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó IMF dự báo tăng 2,7%, WB dự báo tăng 2,8% và ADB dự báo tăng 4,1%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn, hành động nhanh, mạnh mẽ hơn…

“Chúng ta cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Cụ thể, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả heo châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn. Duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước cho các sản phẩm. Đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với sản xuất công nghiệp, cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho…”.

Thành phố Thái Nguyên có giá trị công nghiệp đứng thứ 4 của cả nước. 6 tháng năm nay, thành phố này đạt hơn 334 ngàn tỷ đồng; Xuất khẩu đạt cao với hơn 11 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 4 sau TPHCM, Bắc Ninh và Bình Dương.

Đặc biệt, một số sản phẩm như sản phẩm chè tiêu thụ rất tốt, kinh doanh sản xuất chè giàu lên. Trong đó, tăng trưởng về cây chè 6 tháng đầu năm tăng nhanh nhờ tái cơ cấu sản xuất, có sản phẩm chủ lực. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì mô trường đầu tư, xã hội. Hiện nay, Thái Nguyên có 200.000 lao động trong các nhà máy, 80 ngàn sinh viên đang học tập và sinh hoạt tại tỉnh…

Ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nêu một số kiến nghị:

“Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Thái Nguyên mở rộng khu công nghiệp Yên Bình, đây là hai khu công nghiệp nằm trong 6 khu công nghiệp được chính phủ phê duyệt, hiện đang lấp đầy và có nhiều cơ hội để đón làn sóng đầu tư FDI. Đề nghị Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông cho phép thành lập khu công nghệ thông tin tập trung. Đây là một trong những dự án lớn mà Thái Nguyên có điều kiện, có vị trí khát vọng để thực hiện dự án này. Đề nghị Chính phủ phê duyệt Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc. Đề nghị Chính phủ cho Thái Nguyên được chi những nguồn thu mà tỉnh đã tiết kiệm được trong mấy năm qua, trước mắt là 1.000 tỷ đồng”.

Hơn 13.000 phương tiện quá tải bị từ chối phục vụ trên cao tốc - 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam đã từ chối phục vụ theo thẩm quyền 13.000 lượt ...

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm - HĐND TPHCM đã tiến hành đợt giám sát về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.