Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử

(VOH) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế - Bộ Công Thương, năm 2022 vừa qua, quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Với mức tăng trưởng 20%, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%.

Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử 1
Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Ảnh minh họa: VOH

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Việc này nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, giả mạo doanh nghiệp khác... 

Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore.

Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.