Tăng giá điện, mỗi hộ gia đình hàng tháng phải trả thêm bao nhiêu tiền?

(VOH) - Giá điện chính thức được Bộ Công Thương tăng từ ngày 20/3. Số tiền các hộ sử dụng điện chi trả sẽ tăng lên.

Theo đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh). 

tăng giá điện, giá điện, nhân viên điện lực

Giá điện tăng 143,79 đồng/kWh từ hôm nay, 20/3 Ảnh: TL

Đối với 25 triệu khách hàng là hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.095 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.465 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31515 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.075 đồng và 400 kWh sẽ phải trả 77.165 đồng.

giá điện tăng, giá điện, người dân, doanh nghiệp,

Số tiền tăng thêm của các hộ gia đình khi giá điện tăng.

Với hơn hơn 443.000 hộ dùng điện nhiều cho kinh doanh, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng.

Đối với 1,4 triệu khách hàng sử dụng điện cho sản xuất trả thêm 12,39 triệu đồng (tăng 839.000 đồng/ tháng). Cụ thể, đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sẽ có hộ sản xuất phải trả thêm 95 triệu đồng/tháng. Đối với ngành thép, trong 40 DN sản xuất được thống kê thì hộ thấp nhất tăng 7,3% tương đương với 30 triệu đồng/tháng, hộ cao tăng 8,28%. 

Theo các chuyên gia, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, gây thêm trở ngại cho doanh nghiệp. Ở góc độ sản xuất, tiền điện chiếm phần không nhỏ trong tổng giá thành sản xuất của một doanh nghiệp. Vì vậy, khi giá điện tăng, tức là  giá thành sản phẩm cũng tăng.

Trong khi đó, trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Còn nếu tăng giá bán sản phẩm thì gánh nặng lúc ấy sẽ đổ lên người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, người dân được nghỉ dài ngày, nhu cầu đi lại, các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng nên giá các nhóm hàng này có thể tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng so với tháng 1. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%. Trong đó, lương thực tăng 0,53%, thực phẩm tăng 2,13%, góp phần làm CPI chung tăng 0,48%.

Lần điều chỉnh giá điện này, bên cạnh việc tính toán tác động tới các nhóm khách hàng, cơ quan quản lý còn đánh giá tác động tới nền kinh tế chung. Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%.