Sản xuất giấy của một doanh nghiệp nước ngoài tại tỉnh Bình Dương (Ảnh: Hùng Lê/thesaigontimes)
EVN : tăng giá không tác động nhiều !
Theo lộ trình, ngành điện sẽ điều chỉnh giá điện vào thời điểm thích hợp. Cuối năm 2014, mặc dù báo cáo có lãi, song Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho rằng tỉ suất lợi nhuận thấp, cần bổ sung chi phí vào giá thành điện nên vẫn cần điều chỉnh tăng giá. Ngoài ra, EVN cho rằng tăng giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí khách quan phát sinh trong những năm trước…
Theo khung giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể đến hết năm 2015, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh. Như vậy, sau hơn một tuần áp giá bán điện mới (thời điểm điều chỉnh bắt đầu từ ngày 16/3/2015), mức giá bình quân là 1.622,05 đồng/kWh tức tăng 7,5%, so với giá bán điện bình quân được duyệt tại thời điểm trước đó. Tập đoàn Điện lực VN khẳng định, việc điều chỉnh giá điện lần này không tác động đến nhiều sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Thực tế, ai cũng nhận thấy điện là yếu tố đầu vào của hàng loạt các ngành sản xuất, nên người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ chịu tác động kép, không chỉ từ giá điện mà giá hàng hóa các dịch vụ khác cũng tăng theo giá điện.
Doanh nghiệp : tăng không đúng thời điểm
Một số DN cho rằng, không nên tăng giá điện vào thời điểm đầu năm, vì các đơn hàng đang ổn định về chi phí sản xuất. Giá điện thay đổi buộc các DN phải điều chỉnh tăng theo, như vậy để giữ uy tín với các đối tác hoặc DN phải chấp nhận lỗ hoặc cắt giảm chi phí khác… nhất là đối với DN sử dụng nhiều năng lượng như: sản xuất giấy, vận tải, in ấn, ép nhiệt…
Trong khi các DN đang đón nhận luồng gió mới từ việc cạnh tranh lãi suất cho vay ở các ngân hàng, việc tăng giá điện thời điểm này khiến họ giảm đi cơ hội cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Thu – Giám đốc Công ty Giấy Thiên Trí cho rằng, nếu giá điện có tăng, DN sẵn sàng điều chỉnh giá thành sản phẩm sao cho có lợi cho mình nhưng thời điểm này không thích hợp. Do điện tăng, chí phí đầu vào sẽ tăng theo, trong khi đó hàng tồn kho chưa có lối ra. DN chưa kịp phục hồi, đành chấp nhận để tồn tại.
“Nếu như trước đây, giá điện ổn định, DN sản xuất có thể tính toán trừ các chi phí (có tính giá điện) vẫn còn lãi, thì nay việc tăng giá điện đột ngột DN khó có thể “xoay chuyển tình thế” vì đơn hàng đã lỡ kí hợp đồng, xem như mình lỗ trong đơn hàng đó” - ông Nguyễn Văn Hữu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần In Phan Văn Mảng (Long An) ngậm ngùi.
Trong khi các doanh nghiệp chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm thì bất cứ chi phí đầu vào nào tăng, dù là nhỏ cũng đẩy DN vào tình trạng suy kiệt. Ông Nguyễn Văn Do, Giám đốc Doanh nghiệp In Gia Tuấn cho rằng: “Dù biết trước lộ trình tăng giá điện nhưng DN đang vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, nếu không giải quyết được bài toán này, trước mắt phải cho ngừng 04 máy in để hoạt động cầm chừng, một phần giảm bớt chi phí, một phần tiết kiệm tiền điện hàng tháng”.