Tăng năng suất, chất lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(VOH) - Những năm qua, thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định, song trên thực tế vẫn còn bộc lộ không ít bất cập.

Đó là tỷ lệ lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn… Đây là những hạn chế cần có những giải pháp đúng và trúng để phát triển thị trường lao động Việt Nam nhằm nâng cao năng suất trong giai đoạn tới.

tang-nang-suat-chat-luong-lao-dong-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te-voh.com.vn-anh1
Công nhân chất lượng cao làm việc tại một công ty của Nhật Bản trong KCX Tân Thuận. Ảnh: SGGP

Trong những năm qua, thị trường lao động tại Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển. Lao động đã có sự chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức…Tuy nhiên thị trường lao động hiện nay vẫn bộ lộ không ít những bất cập. Cụ thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động. Vẫn tồn tại tình trạng dư thừa lao động, chất lượng việc làm chưa cao, phát triển không đồng đều.

Vẫn có sự mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp- thống kê trong năm ngoái 2020 mới đạt tỷ lệ 24,5%- có nghĩa là chưa đến một phần tư số người lao động được đào tạo có chứng chỉ… Chính những nguyên nhân này đã khiến năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng: "Năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp, điều này bắt nguồn từ điều kiện làm việc, môi trường làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và vốn của Việt Nam còn thấp cũng như tay nghề kỹ năng của người lao động còn thấp. Điều đó giải thích vì sao mà hiện nay thu nhập của chúng ta còn thấp vào loại thấp nhất trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN".

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu thực tế, không chỉ thiếu nguồn lao động chất lượng cao màhiện nước ta đang có sự khấp khểnh về lực lượng lao động: "Những tồn tại mà lao động Việt Nam chúng ta cần phải nhấn mạnh về cả ngành, cả cơ cấu vùng miền địa phương, chưa thực sự thúc đẩy được chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, những ngành thừa lao động, nơi thiếu về lao động, đặc biệt là chất cao. Tuy nhiên, có những nơi thiếu lao động phổ thông, chứ không phải là lao động chất lượng cao".

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng nghiệp 4.0, diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu… đang đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, chiến lược điều chỉnh phát triển của doanh nghiệp… cũng như cần có những chính sách ưu tiên phát triển thị trường lao động để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Vì vậy giai đoạn tới phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động; chính sách tiền lương, phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion nêu quan điểm: "Để cổ vũ và khuyến khích sự sáng tạo của người lao động, doanh nghiệp cần có chế độ lương thưởng hợp lý, không mang tính chất “cào bằng” mà phải có những chế độ riêng đối với những sáng tạo, giải pháp hay được đưa ra.  Hiện nay, mặt bằng lương của Việt Nam được nâng dần lên nhưng vẫn chưa cạnh tranh bằng được các nước, hiện các doanh nghiệp lớn thường thưởng cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo, còn bộ phận doanh nghiệp nhỏ hầu như không có".

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương ông Nguyễn Tú Anhcũng cho rằng, để tăng năng suất, chất lượng nguồn lao động chính sách tiền lương cho người lao động cần được xem xét điều chỉnh. Đồng thời với phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới. Qua đó, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao: "Nếu chúng ta nâng tiền lương tối thiểu cao lên thì buộc người sử dụng lao động phải nâng năng suất lao động của người lao động lên thì mới trả được tiền lương cao hơn - và muốn nâng năng suất lao động cao hơn thì phải dựa vào công nghệ và đào tạo cho người lao động. Vậy thì vấn đề tiền lương tối thiểu cũng là một công cụ để điều tiết. Cùng với đó, để cho thị trường lao động có thể phát triển một cách hài hòa khi nền kinh tế cũng phải phát triển một cách hài hòa, không nên phát triển theo kiểu mà chúng ta quá phân cực".

Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn lao động là cơ sở để tăng năng suất. Đồng thời khuyến nghị, để đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng sử dụng lao động thì cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động, cũng như khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, các Hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết kế các chương trình đào tạo là rất cần thiết. Cùng với đó, tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu nhân lực trong nước, và khu vực, cũng như gắn với thị trường lao động khu vực và quốc tế. Để từ đónâng cao chất lượng nguồn lao động của nước ta ngày càng tiệm cận với yêu cầu chung của thế giới.