Phát triển khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế TPHCM

(VOH) - 46 năm qua, ngành khoa học công nghệ TPHCM không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xác định khoa học, công nghệ là một trong những “bệ phóng” để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Công nghiệp vi mạch là ngành đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn xây dựng nền móng cho phát triển công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam trong 10 năm tới khá tích cực. Theo nhận định, Việt Nam có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển lên cao trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch. 10 năm qua, chúng ta đã tạo được nền móng ban đầu, đặc biệt là nguồn nhân lực, cơ sở tri thức. Việt Nam hiện có từ 20-30 doanh nghiệp chuyên về chip. Tính trung bình mỗi doanh nghiệp từ 150-200 kỹ sư thì Việt Nam đang có khoảng 3.000 - 4000 kỹ sư thiết kế. Riêng Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thu hút Intel, Jabil, Samsung và nhiều công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới, kể cả những công ty nhỏ về thiết kế vi mạch.

Tiến sĩ Dương Minh Tâm - Chủ tịch Hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Năm nay, Intel tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ, và sản lượng của Intel năm nay có thể 15 tỷ đô la Mỹ. Samsung cũng thế, mở trung tâm R&D tại Hà Nội và Trung tâm R&D tại nhà máy Samsung tại Khu công nghệ cao".

Riêng nhà máy Intel Việt Nam đặt tại Khu Công nghệ cao TPHCM, với quy mô 70% sản lượng của hệ thống lắp ráp, thử nghiệm của Intel toàn cầu, sau 15 năm đã dịch chuyển từ vị thế của nhà máy lắp ráp, thử nghiệm những sản phẩm đã được lắp ráp tại nhà máy ở quốc gia khác trở thành vị trí tuyến đầu, lắp ráp những sản phẩm mới nhất của Intel.

Đồng thời, với quy mô như vậy, Intel dần đưa những hoạt động có giá trị gia tăng cao về gần với nhà máy tại Việt Nam để tăng tính hiệu quả. Đây là động lực cho sự dịch chuyển đi lên trong chuỗi giá trị, thực hiện những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, kéo theo đó sẽ xuất hiện nhu cầu đầu tư cho nghiên cứu phát triển, xuất hiện nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát triển khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế TPHCM 1
Ảnh minh họa. 

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thị trường để có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch, trong đó, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề định hướng, đầu tư kích hoạt ban đầu, như việc các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tập trung mật độ cao tại Việt Nam, đó là nhu cầu thị trường về chip. Đồng thời, với chiến lược chuyển đổi số cũng tạo ra nhu cầu về chip cho thị trường Việt Nam. 

“Chúng ta nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc chuyển đổi số là sự kết nối thế giới thực với thế giới ảo, như vậy mọi vật đều cần gắn chip. Và như thế tạo ra nhu cầu rất lớn về chip. Nhu cầu đủ lớn sẽ dẫn đến động lực thị trường cho những dự án đầu tư sản xuất chip tại Việt Nam. Từng bước như vậy, chúng ta sẽ tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp vi mạch thế giới” - ông Nguyễn Anh Thi nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, là nơi đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

"Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá để đạt các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, xem vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những trách nhiệm chính của mình. Chúng tôi quan tâm đến 4 hệ thống giải pháp. Thứ nhất, đổi mới về chương trình đào tạo theo hướng liên ngành đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Hai là tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ ba, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy. Thứ tư là tiếp tục phát triển hoàn thiện hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân nói. 

Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp vật liệu được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định nhiệm vụ chiến lược của ngành khoa học công nghệ đối với phát triển ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới là Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: “Hoạt động khoa học công nghệ có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp vật liệu nói riêng. Nhân lực là quyết định. Hiện nay chúng ta đã có các cơ chế chính sách do Chính phủ ban hành. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện, thực thi các cơ chế chính sách của chúng ta còn vướng. Chúng tôi hy vọng với các cơ chế chính sách đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội ban hành trong thời gian qua được khai thông, ví dụ phải có sự thống nhất giữa các bộ ngành để chúng ta cùng đầu tư cho nguồn nhân lực trong thời gian tới”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là tận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nói chung, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng và tận dụng các lợi thế thương mại. Một trong những nội dung của quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đảng ta xác định là “Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”. Đây cũng là nội dung được nêu trong đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. Để thực hiện được quan điểm và đột phá chiến lược này, yêu cầu đặt ra là phải phát triển những ngành công nghiệp nền tảng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất khác.

Bình luận