Là chia sẻ của đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp với VOH bên hành lang Quốc hội về công tác quản lý, điều tiết điện lực; thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo…
Ảnh minh họa: baodatviet
*VOH: Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý, điều tiết điện lực thời gian qua?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Về cơ bản, người dân chia sẻ việc tăng giá điện, vì giá điện tại một số nơi ở Việt Nam vẫn được bao cấp. Tuy nhiên, giá điện tiêu dùng cho người dân được chia theo bậc thang cần có sự điều chỉnh lại.
Ví dụ, bậc đầu tiên nên điều chỉnh từ 0 - 100 kwh thay vì 50 kwh. Còn từ 100 kwh trở lên cách tính người dân không phản ứng nhiều.
Tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như các loại năng lượng khác như xăng dầu,… nhưng để cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng. Hơn nữa, lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường. Trước đây, giá nguyên liệu đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của nhà nước, nhưng nay giá đầu vào không được bảo trợ.
Đặc biệt, điều mà người dân và doanh nghiệp cùng quan tâm đối với ngành điện là giảm tổn thất điện năng. Ngành điện thời gian qua đã có nhiều cải tiến và mức tổn thất đã giảm nhưng cần cố gắng hơn về chỉ tiêu này.
Cùng với đó, cần xem lại cơ cấu cung cấp điện để có thể có một chiến lược phát triển hợp lý nhất về lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời hiện nay đang hình thành và đóng góp vào tổng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, đánh giá về tiêu hao hay ô nhiễm môi trường rất lớn, các nhà máy này đều do các tổng công ty điện lực các miền quản lý.
Còn điện mặt trời, điện do thường do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nhưng việc hòa mạng vào hệ thống lưới điện quốc gia còn nhiều bất cập do bị quá tải hệ thống.
Các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời rất mong muốn được sử dụng hết công suất khi hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia.
*VOH: Việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực hiện nay thì sao, thưa ông?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quy hoạch và tổ chức thực hiện thời gian tới sẽ giảm dần sử dụng bằng nhiệt điện theo tôi là phù hợp. Đối với những nhà máy thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân vùng dân tộc, miền núi như gây sạt lở, mất diện tích rừng do làm thủy điện thì cũng cần phải xem xét lại, không nên quy hoạch đại trà.
Tất nhiên, việc làm các nhà máy thủy điện này sẽ có lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa là được sử dụng điện. Nhưng điểm bất lợi là rừng sẽ bị thu hẹp, gây ra lũ ống, lũ quét… Còn về quy hoạch điện mặt trời, điện gió theo tôi nên khuyến khích phát triển vì rất thân thiện môi trường.
*VOH: Tương lại, chúng ta cần tính đến quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Chúng ta cần phát huy khu vực năng lượng này. Tại khu vực phía Nam có lợi thế nhiều nắng và gió thì nên khuyến khích đầu tư phát triển để hòa mạng vào hệ thống lưới điện quốc gia, nhằm thay thế dần nhiệt điện đang gây ô nhiễm môi trường.
*VOH: Ông đề xuất gì để việc quy hoạch, quản lý, điều tiết điện lực hiệu quả hơn?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Về giá điện, thay từ 6 bậc xuống 4 bậc, các bậc còn lại vẫn duy trì như cũ. Về quy hoạch điện lực, nhiều ý kiến không hài lòng vì ngành này hiện vẫn đang độc quyền.
Do đó, ngành này cần sớm được xã hội hóa, doanh nghiệp nào có đề án, dự án thấy có tính khả thi, được các cấp chính quyền phê duyệt thì cho phát huy để xã hội hóa và tạo điều kiện để được hòa vào lưới điện quốc gia với mục đích cao nhất là người dân được dùng điện với giá hợp lý, thân thiện môi trường.
*VOH: Cảm ơn ông!