Đăng nhập

Tháng 6: Hoạt động sản xuất của Eurozone suy giảm nhanh hơn dự báo

VOH - Hoạt động sản xuất trong tháng 6 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã suy giảm nhanh hơn dự báo khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì chính sách siết chặt tiền tệ.

Kết quả khảo sát công bố ngày 3/7 cho thấy, các hoạt động sản xuất ở cả 4 nền kinh tế lớn nhất Eurozone đều suy giảm trong tháng 6. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do ngân hàng HCOB (Đức) phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 43,4 trong tháng 6 so với mức 44,8 trong tháng 5.

Đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thấp hơn mức 43,6 ước tính sơ bộ và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 để được công nhận là tăng trưởng. Chỉ số sản lượng cũng giảm xuống mức 44,2 - thấp nhất trong 8 tháng.

Chỉ số này là một phần trong chỉ số PMI tổng hợp sẽ được công bố ngày 5/7 tới, vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

EurozoneXem toàn màn hình
Lạm phát hạ nhiệt, nhưng vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. - Ảnh: Getty Images

Nhà kinh tế trưởng của HCOB - Cyrus de la Rubia cho rằng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực công nghiệp rất cần vốn đang có phản ứng tiêu cực với quyết định tăng lãi suất của ECB.

ECB đã tăng lãi suất tổng cộng là 400 điểm cơ bản qua các đợt tăng khác nhau và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 25 điểm cơ bản trong tháng này. Điều này được cho là làm giảm sức mua của những khách tiêu dùng và các doanh nghiệp vay nợ nhiều.

Một số nhà máy đã giảm số người làm, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Chỉ số việc làm của Eurozone cũng giảm xuống còn 49,8 từ mức 51,5 của tháng trước đó.

Trước đó vào ngày 30/6, Cơ quan Thống kê châu Âu công bố số liệu chính thức cho thấy tốc độ lạm phát giảm nhiều hơn so với các dự báo trước đây.

Tỷ lệ lạm phát một năm tính tới ngày 30/6 chỉ còn 5,5% trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro, thấp hơn nhiều so với trước đó một tháng và thấp hơn các dự đoán của giới phân tích tài chính châu Âu. Lạm phát 5,5% vào cuối tháng 6, giảm chỉ còn khoảng một nửa so với con số kỷ lục 10,6% hồi tháng 10/2022.

Giá nhiên liệu lao dốc tiếp tục kéo lạm phát đi xuống. Trong vòng một năm, giá điện đã giảm 30%, giá khí đốt giảm tới 62%, giá xăng dầu giảm 17%.

Trong tháng 6, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp tuy vẫn tăng nhưng tốc độ đã suy yếu dần. Lạm phát hạ nhiệt, nhưng vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Bình luận