Thể chế thuận lợi sẽ tạo ra nguồn lực đổi mới, phát triển

(VOH) - Chiều 15/8, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị tổng kết Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

Để đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư được UBND TPHCM ban hành trong Quyết định số 50 năm 2015 đồng thời lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện chương trình, chiều 15/8, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị tổng kết Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

Chương trình này được thành phố thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực an sinh xã hội. 

kích cầu đầu tư,  nguồn lực đổi mới

Hội nghị tổng kết Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố chiều 15/8

Qua 5 năm thực hiện, triển khai với hai giai đoạn, chương trình kích cầu đầu tư của thành phố đã thu hút, huy động và khơi dậy được các nguồn lực đầu tư trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước đẩy mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà thành phố đang khuyến khích đầu tư, cho phép hỗ trợ bổ sung thêm một số lĩnh vực mới theo thực tế.

Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư gần 24.000 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.200 tỷ đồng. Bình quân số vốn đầu tư một dự án gần 85 tỷ đồng, tập trung nhiều vào các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, môi trường. 

kích cầu đầu tư,  nguồn lực đổi mới

Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Thành Phong phát biểu 

Bệnh viện Nhân dân 115 là minh chứng cho hiệu quả của Chương trình kích cầu của thành phố.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nếu cách đây 30 năm, toàn bệnh viện chỉ có duy nhất 1 máy chụp X quang thì hiện nay, mỗi ngày bệnh viện đón khám từ ba đến bốn ngàn bệnh nhân, cấp cứu trên 400 bệnh nhân và là một trong những trung tâm điều trị đột quỵ đầu tiên của thành phố.

Đặc biệt, đây cũng bệnh viện đầu tiên của thành phố đưa kỹ thuật mổ rô-bốt vào phẫu thuật khối u và sắp tới sẽ tiến hành mổ u não bằng rô-bốt đồng thời, đưa trí tuệ nhân tạo trong việc cứu sống bệnh nhân.

Để có được kết quả này, theo Bác sĩ Phan Văn Báu, 50% thiết bị của bệnh viện được vay vốn theo Chương trình kích cầu của Thành phố :

“Sắp tới bệnh viện 115 sẽ đưa vào khu cấp cứu kỹ thuật cao. Khu này triển khai cấp cứu hàng không, mà bệnh viện hoàn toàn phải trang thiết bị. Đặc biệt là cấp cứu hàng không, khi đưa xuống mình can thiệp mạch tim, mạch não ngay đó, thì xin được tăng quy mô vốn. Để trang thiết bị cho khu vực này cũng phải 400 tỷ đồng”. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn vay ngân hàng phải đủ điều kiện và có tài sản thế chấp.

Đến thời điểm này, ngân hàng có thay đổi cho vay thế chấp bằng dòng tiền với điều kiện doanh nghiệp phải công khai minh bạch về tài chính để các ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay.

Hiện hình thức cho vay này chiếm gần 15% trong tổng dư nợ của thành phố, mặc dù có những rủi ro đối với ngành ngân hàng. 

Về tỉ giá, thời gian gần đây, do xung đột thương mại và địa chính trị trên thế giới nên tỉ giá có biến động : “Nhưng thị trường ngoại hối vẫn bình ổn. Những nhu cầu xuất nhập khẩu và du học trị bệnh thì ngân hàng đều đáp ứng ngoại hối và không để tình trạng thiếu nguồn vốn”.

kích cầu đầu tư,  nguồn lực đổi mới

Các đơn vị, doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị

Thông qua chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, đã có nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, có giá trị gia tăng cao. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, hội nghị này giúp thành phố nhận diện được các "điểm nghẽn" trong chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, từ đó hoàn chỉnh bổ sung, tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ăn lâu dài tại thành phố. 

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố thừa nhận, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của thành phố có giảm sút. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu có tăng nhẹ so với năm 2018.

Riêng khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% GRDP, 72% vốn đầu tư trong toàn xã hội… nhờ có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, thành phố xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải tập trung thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nếu tạo ra thể chế thuận lợi sẽ tạo ra nguồn lực. Tuy nhiên, nhiều vấn đề thành phố cũng rơi vào thế khó phải phụ thuộc vào thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương. 

Đơn cử như các dự án hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT. Chính phủ hiện chưa có hướng dẫn, nên đến nay, tất cả các dự án BT đều dừng lại.

Để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố, ngoài nguồn lực, ngoài ngân sách đầu tư công, huy động nguồn lực trong dân, doanh nghiệp, muốn làm được việc này, Nhà nước cần tạo một thể chế thuận lợi.

Bên cạnh đó, nguồn lực đất đai liên quan đến các dự án PPP, BT hiện cũng chưa có hướng dẫn của Chính phủ trong khi đó, thời gian giải phóng mặt bằng hiện nay lại theo quy trình lại rất lâu. 

“Vừa qua, TPHCM xin Chính phủ cơ chế rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được quyết. Từ đó, lãnh đạo thành phố mong các doanh nghiệp chia sẻ với lãnh đạo thành phố trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn.

Phải trách nhiệm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chúng tôi xác định rõ đó là trách nhiệm của chính quyền thành phố phải làm, phải nỗ lực không ngừng”, ông Phong nói.