Thị trường bán lẻ hàng hóa tháng cuối năm tăng trưởng tích cực

(VOH) – Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn về tháng cuối năm nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 đều tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,1 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước,

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 ngàn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 (trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Doanh thu 11 tháng năm 2022 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước: Đà Nẵng tăng 867,1%; Cần Thơ tăng 647,3%; Hà Nội tăng 322,8%; Hải Phòng tăng 261,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 191,6%; Quảng Ninh tăng 52,1%.

Xem thêmGiá cả thị trường hôm nay 6/12/2022: Giá các loại trái cây

Thị trường bán lẻ hàng hóa tháng cuối năm tăng trưởng tích cực
Thị trường bán lẻ hàng hóa tháng cuối năm tăng trưởng tích cực.

Cuối năm được đánh giá là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, dịch chuyển toàn diện, đẩy mạnh thêm những điểm tiếp cận với khách hàng.

Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng cần được ưu tiên, nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế được các nguy cơ và tận dụng được các cơ hội trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường hàng hóa trong tháng 11 tương đối ổn định, nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng khi vào giai đoạn chuyển mùa. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.

Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát sao, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Bộ Công thương cũng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.