Thị trường bất động sản còn gặp khó bởi “nguồn cung quá thiếu và quá thừa”

(VOH) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt...

Trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội xoay quanh các vấn đề của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý.

Nguồn cung quá thiếu và quá thừa thể hiện ở cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025).

Trong khi đó, thị trường thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu).

Theo ông Nghị: "Cơ cấu nguồn cung có thay đổi nhưng vẫn chưa phù hợp. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân còn rất lớn".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Chiều 03/11/2022, Quốc hội tiến hành Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện bất hợp lý, giá bất động sản cũng cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro… Nguồn cung vốn trung và dài hạn cho bất động sản chưa có. Quý III, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận bất động sản. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ.

Trong khi đó, thị trường bất động sản nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, tồn tại như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số vi phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi.

Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế. Vì vậy, số lượng nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu. 

Xem thêm: Phát triển nhà ở xã hội: Thiếu vốn đầu tư, thủ tục phức tạp, giá nhà ở xã hội còn cao

Nhận định tình tình thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dự báo tình hình thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn…

Bộ trưởng khẳng định, vấn đề sẽ được giải quyết nếu thời gian tới thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra như: hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…