Ngày 13/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh…
Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn…
Phát biểu kết luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản là cung - cầu.
Theo bà Hồng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cho thấy cung - cầu thị trường bất động sản đang mất cân đối rất lớn. Cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, còn phân khúc thấp cấp, giá rẻ phục vụ người dân có thu nhập thấp rất hạn chế.
Bà nhận định, căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít. Nếu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững thì đòi hỏi phải có giải pháp từ phía cung. Đó là có chính sách để tăng cung nhà ở xã hội.
Về nhu cầu vay mua nhà của người có thu nhập thấp (nhà ở công nhân), bà Hồng cho biết hiện còn ít. Thu nhập của công nhân rất thấp, nhất là qua đại dịch Covid-19, đời sống người công nhân càng khó khăn.
Bộ Xây dựng cho biết, có tới 50% nhu cầu về nhà ở nhưng không thể đi vay. Do đó, vướng mắc này cần được giải quyết bằng cơ chế, chính sách khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Luật kinh doanh nhà ở đã có những tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vấn đề này, cho phép doanh nghiệp mua nhà ở cho công nhân… Như vậy, không nhất thiết là công nhân phải đi vay để mua nhà.
Đối với nhu cầu mua nhà để đầu tư, bà Hồng thông tin thêm, thị trường phát triển rất nhanh, tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Nhưng nhu cầu đầu tư muốn quay lại thì niềm tin của nhà đầu tư phải trở lại.
Niềm tin được giải quyết bằng yếu tố pháp lý. Yếu tố pháp lý rõ ràng thì nhà đầu tư yên tâm khi mua nhà. Hay tính minh bạch của dự án, đặc biệt là vấn đề giá, người ta thấy giá hợp lý sẽ khuyến khích cầu đầu tư.
Về giải pháp cho vấn đề này, bà Hồng đề xuất các bộ ngành, địa phương cần tập trung giải quyết vướng mắc về pháp lý. Đây là mấu chốt quan trọng nhất vì có tới 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý như thủ tục đầu tư, đấu thầu...