Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản- tận dụng lợi thế và cơ hội từ các hiệp định thương mại FTA

(VOH) – Chiều 8/10, tại TPHCM diễn ra diễn đàn “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản- tận dụng lợi thế và cơ hội từ các hiệp định thương mại FTA”.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý đầu năm 2022 ước đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu rất tích cực đối với xuất khẩu nông nghiệp, khi mà phần lớn các nước trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành nông nghiệp cũng có những khó khăn, thách thức nhất định. Do vậy, việc tận dụng tốt lợi thế và cơ hội từ các hiệp định FTA cũng phần nào giải quyết được bài toán xuất khẩu, tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản- tận dụng lợi thế và cơ hội từ các hiệp định thương mại FTA 1
Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam

Hiện cả nước có khoảng 18.700 hợp tác xã nông nghiệp, 81 liên hiệp hợp tác xã, với các hình thức liên kết chính là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng, liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín hoặc liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ, liên kết ngang giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhiều nước tham gia FTA có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA hơn.  Do vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam, cần phải thúc đẩy liên kết chuỗi để làm tăng giá trị nông sản Việt Nam hơn.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vina T-T, để tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu theo từng thị trường thì các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu kỹ về các hiệp định đối với từng thị trường, phải chuẩn bị tốt điều kiện cần và đủ từ sản phẩm của mình.