Thủ tướng Chính phủ vừa hành Nghị định 94 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 110 của Quốc hội. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, sẽ được duy trì mức VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến tháng 6 năm sau.
Một số mặt hàng gồm viễn thông; tài chính - ngân hàng; chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than) không thuộc nhóm được ưu đãi thuế.
Việc giảm VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra thuộc đối tượng giảm VAT. Các tổng công ty, tập đoàn thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế đối với than khai thác bán ra.
Với trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu VAT hoặc đối tượng chịu thuế 5%, thì thực hiện theo quy định và không được giảm VAT.
Cơ sở kinh doanh tính VAT theo phương pháp khấu trừ (người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp mà tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% trên tỷ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn.
Bộ Tài chính ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện vào năm 2022 và năm 2023. Giải pháp này cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.