Tiến sĩ Trần Du Lịch: 'Cần tạo điều kiện để nông dân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp'

(VOH) - Năm 2018 khép lại với thành tựu đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt mức hơn 40 tỷ đô la Mỹ.

GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76% đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, sự tăng trưởng đều khắp trên các lĩnh vực chứ không tập trung ở một vài ngành hàng nhất định.

Phát huy những kết quả nổi bật đó, năm 2019 trong bối cảnh các hiệp định thương mai đã và đang tiến hành ký kết, dự kiến sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường.

Để bắt nhịp tốt với giai đoạn phát triển mới của ngành nông nghiệp, bà con nông dân cũng cần có những thay đổi theo định hướng phù hợp.

Xung quanh định hướng phát triển nông nghiệp trong năm mới, VOH phỏng vấn với Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.  Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VOV 

VOH: Xuất khẩu nông sản thêm 1 năm đạt nhiều thắng lợi với tỷ trọng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vượt mốc 40 tỷ đô la Mỹ, một con số khá ấn tượng. Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá như thế nào về kết quả xuất khẩu nông sản 2018?

Tôi cho rằng kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy là kết quả của quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam nói chung. Trong đó ví dụ về cây trồng trước đây tập trung về cây lúa, khi tập trung đưa công nghệ cao vào phát triển các loại rau củ quả, tăng lượng xuất khẩu lên. Trong lĩnh vực lâm nghiệp tập trung vấn đề chế biến nông sản, trồng rừng. Trong ngư nghiệp cũng vậy. Đó là kết quả chung của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp khai thác mạnh nền nông nghiệp nhiệt đới. Tôi cho rằng kết quả như vậy vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của Việt Nam. Nếu quá trình này được tiến hành tốt, rõ ràng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, như Chính phủ nêu, người dân có thể làm giàu từ nông nghiệp, đặc biệt nền nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chế biến.     

VOH: Việc mở cửa các thị trường, trong đó các AFTA, Hiệp định thương mại CPTPP có vai trò như thế nào đối với quá trình xuất khẩu nông sản?

Hiện nay thị trường chính của nước ta về nông sản cũng rải đều trên cả nước. Dĩ nhiên, kỳ vọng lớn nhất là nếu như chúng ta có hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EU, tức là chúng ta sẽ mở được thêm thị trường EU mạnh hơn. Ngoài ra, chúng ta có hơn 12 hiệp định AFTA, thương mại tự do ở các nước. Ngoài khối đó ra, chúng ta còn có CPTPP vừa qua, nhưng tôi nghĩ rằng, thực sự hiện nay những thị trường cần tiếp tục tái cơ cấu, phải làm bài bản, đó là thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Hiện nay vẫn là thị trường lớn, gần với ta. Họ không nằm trong CPTPP, nhưng vẫn là thị trường lớn. Nếu như chúng ta tăng được xuất khẩu chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc sẽ tạo yếu tố bền vững hơn cho phát triển nông nghiệp. 

VOH: Ngành nông nghiệp TPHCM với những điều kiện riêng, theo ông nên có những định hướng phát triển như thế nào để có thể phát huy lợi thế của mình và đóng góp chung cho sự phát triển của ngành nông nghiệp cả nước?

Trước hết, phải nói TPHCM không phải là nơi có lợi thế về nông nghiệp. Do đó, từ lâu TP quy hoạch nông nghiệp đầu tiên TPHCM phải là trung tâm tạo ra giống cây giống con, (tức là ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống), chứ không phải là nơi để tạo ra sản phẩm, mà tạo giống là chính.

Thứ hai, TP rất có lợi thế về các loại cây cảnh, cá cảnh, nói chung là các sinh vật cảnh.

Thứ ba, là nông nghiệp sinh thái. Đó là vườn sau của đô thị, là thế mạnh thành phố.

Vừa qua chính sách thành phố cũng thúc đẩy khá mạnh ví dụ như quyết định về hỗ trợ lãi suất cho những trai trại làm cây cảnh... Chính vì vậy, nông nghiệp TPHCM có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước mặc dù không phải là một địa phương làm nông nghiệp.

Theo hướng quy hoạch trước đây, tôi nghĩ TP phải phấn đấu hướng tới là một trung tâm tạo ra giống, giống cây, giống con, và các thế mạnh sinh vật cảnh. Đặc biệt là phải tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Đó là lợi thế, tôi nghĩ TP có thể phát triển được trong tương lai.

VOH:  Để thích ứng tốt với thị trường, nông dân TPHCM nói riêng, bà con nông dân cả nước nói chung cần đáp ứng những yêu cầu như thế nào? 

Tôi cho rằng, nhược điểm lớn nhất của ta hiện nay là mô hình sản xuất nông hộ cá thể, quy mô nhỏ, không liên kết, không tham gia chuỗi giá trị. Hướng của Chính phủ, Bộ NNN&PTNT là làm sao tạo tạo điều kiện để người dân, từng sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng của sản phẩm từ khi trồng trọt tới khi ra thị trường. Muốn vậy, cần phát triển mạnh các mô hình. Thứ nhất, mô hình HTX dựa trên các hộ nông dân cá thể, tổ chức vấn đề đầu vào đầu ra, tham gia vào chuỗi.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu để làm nòng cốt trong việc phát triển các mô hình HTX.  Chính sách giải quyết vấn đề hạn điền, vấn đề thuê đất, tích tụ đất cho phát triển các trang trại quy mô lớn, các doanh nghiệp.

Với những vấn đề như vậy, nông dân Việt Nam muốn tham gia vào giai đoạn phát triển mới, kể cả thị trường trong nước, thị trường nước ngoài, thì nông nghiệp phải hình thành những chuỗi kiểm soát được quy trình, chất lượng và nhất quyết phải nói không với thực phẩm bẩn thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững.

Qua thềm năm mới, năm 2019, năm Kỷ Hợi, tôi hi vọng và mong rằng bà con nông dân Việt Nam, trong năm mới, trong giai đoạn mới, có thể làm giàu bằng chính nghề nghiệp của mình, không phải ly hương, mà có thể an cư lạc nghiệp trên cái sản xuất nông nghiệp truyền thống của bà con mình. Chúc bà con sức khoẻ và thành đạt trong năm mới.     

Chân thành cám ơn ông.        

CPI tháng 1/2019 tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,10% so với tháng 12/2018.
Apple tính giảm giá bán iPhone để kích cầu mở một số thị trường - Theo Reuters, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple cho biết hãng này đang "suy nghĩ lại" về giá bán iPhone bên ngoài Mỹ.