Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị.
Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với UBND, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức, quy tụ gần 60 đại biểu là Đại sứ, Tham tán Công sứ, Tham tán Thương mại và Trưởng đại diện của 31 Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ, Tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam tổ chức.
Nêu tiềm năng và nhu cầu cần thu hút đầu tư nước ngoài của kinh tế TPHCM, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, thông tin kinh tế TPHCM đang phục hồi nhanh và tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt hơn 3,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 25 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng hơn 3%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố thu hút được hơn 2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài.
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 224 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 5% số dự án cấp mới.
Một trong những thuận lợi lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là hạ tầng khoa học công nghệ tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao đủ lớn để hỗ trợ Thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn của Việt Nam, cụ thể Thành phố có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường Đại học, Cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm; gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hình thành trên 135 nhóm nghiên cứu mạnh và năng động, tham gia hợp tác quốc tế.
Về hạ tầng phát triển công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Hiện tại, Thành phố đã có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4000 ha. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 5,4 tỷ đô la Mỹ với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec…
Thành phố cũng đang tập trung triển khai quy hoạch Thành phố Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố để trở thành hạt nhân phát triển của kinh tế số, kinh tế tri thức cho Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam…
Ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh: “TPHCM đang rất cần phát triển liên quan đến hạ tầng kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hay công nghệ 5G hay sau 5G, đặc biệt công nghệ sinh học. Đây là những lĩnh vực mong muốn thu hút đầu tư công nghệ cao, kể cả fintech cũng là một trong những lĩnh vực mà Thành phố quan tâm. Mục tiêu của TPHCM là muốn hình thành trung tâm khoa học công nghệ, tài chính của khu vực không chỉ phía Nam mà cả khu vực Đông Nam Á…”.
Trong khi đó, Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế xã hội, phát triển mạnh về công nghiệp về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng sản phẩm GRDP của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá cao, đạt mức dương 2,62%, mức tăng trưởng cao nhất trong vùng tứ giác kinh tế phía Nam thời điểm dịch năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 32 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 25 tỷ đô la Mỹ. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 đứng thứ 2 cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng thứ 6.
Lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 39 triệu đô la Mỹ. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 39 tỷ đô la Mỹ, là địa phương thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ sau TPHCM.
Tại sự kiện này, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh Bình Dương quan tâm như: các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường cũng như đầu tư phát triển thương mại dịch vụ, đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội tại tỉnh này, ông Võ Sơn Điền, đại diện Tổng công ty Becamex, doanh nghiệp hàng đầu tại Bình Dương, cho biết: “Bình Dương hiện nay đang xây dựng mô hình, hệ sinh thái mới để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư từ công nghệ cao và từ châu Âu để có thể phát triển bền vững, phát triển xanh”.
Nói thêm về vai trò của Cục Xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kết nối với nhau, với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho hay: “Chức năng của Cục Xúc tiến thương mại là kết nối với các nhà sản xuất với thị trường trong nước và quốc tế, xúc tiến đầu tư trong công nghiệp để phát triển các ngành công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu đổi mới dây chuyền công nghệ, thu hút, tìm kiếm dây chuyền công nghệ phục vụ cho nhu cầu sản xuất”.
Tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải nhận định: “Hiện nay, các nhà đầu tư trên thế giới, những tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn khi đầu tư vào đâu đó, thì trong đó có Việt Nam thì ngoài ưu đãi của các địa phương, trong đó có Bình Dương hay TPHCM, về đầu tư, đối với các nhà đầu tư rất quan tâm là vấn đề, làm thế nào để đảm bảo môi trường và sự phát triển bền vững. Thứ hai, là vấn đề lao động. Tỉnh Bình Dương có sự quan tâm, sát cánh và chia sẻ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các nhà đầu tư”.