Trách nhiệm xã hội và môi trường đối với sản phẩm là xu hướng của ngành dệt may

(VOH) - Thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế "Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững" do Hiệp hội dệt may Việt Nam và các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức chiều 15/12.

Trách nhiệm xã hội và môi trường là xu hướng cho sản phẩm dệt may

Ngành dệt may toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi lớn với xu hướng là chuỗi cung ứng bền vững hơn.

Người tiêu dùng đòi hỏi nhà phân phối, bán lẻ và thương hiệu phải xem tính bền vững là cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh của họ và yêu cầu nhà cung cấp, đơn vị sản xuất đảm bảo duy trì tuân thủ quy định của nhãn hàng.

Số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng mức đòi hỏi nhãn hàng thời trang phải duy trì trách nhiệm xã hội và môi trường đối với sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bà Brigitte Heuser, chuyên gia dự án SIPPO (Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ) phân tích yêu cầu của người mua tập trung vào những từ khóa quan trọng như bền vững về mặt xã hội, môi trường, kinh tế; số hóa chuỗi cung ứng; giảm chi phí vận chuyển; minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Hay đối với bông trồng bền vững thì sự minh bạch rất quan trọng bởi ngày càng nhiều nhãn hàng có các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, sự nhất quán chuỗi cung ứng và nguyên liệu.

Ngành dệt may cần chuyển đổi thành chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững thông qua nhiều sáng kiến, quy định mới để thúc đẩy tính bền vững và tuần hoàn.

Trách nhiệm xã hội và môi trường đối với sản phẩm là xu hướng của ngành dệt may 1
Ảnh minh họa

Dệt may VN đứng trước những khó khăn thách thức

Ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sang khoảng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 55 mặt hàng chủ lực. Việc phát triển rộng khắp ngành dệt may còn góp phần giảm di dân số lượng lớn về các vùng đô thị.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2023 đạt từ 47 - 48 tỷ USD. 

Nhưng ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức sau dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm 2023, hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may về chuyên gia, công nghệ, vốn để phát triển mạnh hơn.