Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đề xuất sử dụng da từ thực vật thay thế cho da động vật để “xanh hóa ngành dệt may”

(VOH) - Sản xuất da từ thực vật để thay thế da động vật - là một trong nhiều ý tưởng nổi bật được các sinh viên đưa ra tại cuộc thi “Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may”.

Tại cuộc thi “Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may”, một nhóm sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Dệt may, trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) đã đề xuất sử dụng da từ thực vật (còn gọi là da thuần chay) để thay thế cho da động vật và da nhân tạo (simili) – các loại da vốn phải sử dụng rất nhiều hóa chất và nước trong quá trình sản xuất.

Da thuần chay là loại da được làm từ các loại thực vật, chẳng hạn như sợi nấm, lá dứa, vỏ táo, nước dừa, cây xương rồng…

da thực vật
Nhiều loại da thuần chay đã được nghiên cứu trên thế giới

Da thuần chay có tính chất gần như da động vật và simili, tuy nhiên có thể giải quyết được nhiều vấn đề như tránh gây hại cho động vật, sử dụng ít nước hơn, giảm sử dụng các chất hóa học, nguồn nguyên liệu có thể trồng được, có thể phân hủy sinh học một phần và tạo ra ít khí nhà kính hơn…

Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may
Các sinh viên tham gia cuộc thi “Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may”

Cuộc thi “Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ (được sự ủy thác của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức) phối hợp với Bộ môn Kỹ thuật Dệt may, trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy sự đồng hành của Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhãn hàng và các tổ chức quốc tế trong việc phát triển bền vững ngành Dệt may - một ngành luôn trong TOP đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo một số báo cáo, ngành Dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm không khí, nước... hàng đầu. Do bài toán về kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa xử lý triệt để nguồn nước thải, cũng như chưa có những giải pháp để hạn chế sử dụng năng lượng, hóa chất, nước… trong quá trình sản xuất.

TS. Lê Song Thanh Quỳnh – Thành viên Ban giám khảo cho biết: “Cuộc thi không hướng tới việc ngay lập tức giải quyết các vấn đề của ngành Dệt may mà là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức về phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm... đối với sinh viên – bởi những sinh viên này không lâu nữa sẽ làm nhân viên, làm quản lý trong các doanh nghiệp dệt may… Các bạn cần có nhận thức đúng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khi làm việc sẽ có tầm nhìn, có những đánh giá hợp lý để đưa ra những biện pháp để hạn chế ô nhiễm trong sản xuất”.

Hai chủ đề được Ban tổ chức cuộc thi đưa ra là “Đề xuất các giải pháp xanh trong công nghệ Dệt May” và “Đề xuất các phương án tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng”.

15 đội thi chung kết đã đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ như: sử dụng cửa sổ năng lượng mặt trời là những tấm kính có độ chịu lực nhất định được phủ lớp phủ thủy tinh quang điện trong suốt – vừa giúp lấy sáng tốt, vừa thu năng lượng mặt trời; tái chế các chất thải cellulose thành vật liệu cellulose vi khuẩn vừa giảm giá thành sản xuất, vừa giảm phát thải khí nhà kính; tái sử dụng nước trong quy trình giặt, nhuộm vải…

Nhiều ý tưởng khác cũng được đánh giá cao, đó là ý tưởng tạo ra sợi vải từ chai nhựa – nhằm thay thế cho polyester là một trong những loại sợi phổ biến nhất được sử dụng trong thời trang hiện nay hay sản xuất điện từ nước thải dệt nhuộm nhằm tận dụng nguồn nước thải khổng lồ mà ngành dệt may thải ra trong quá trình sản xuất…

Theo đánh giá của ban giám khảo, quá trình tham gia cuộc thi, sinh viên đã đào sâu tìm hiểu về thực trạng ngành và cũng đưa ra nhiều ý tưởng có tính khả thi, có thể áp dụng thực tế… Điều này cho thấy sinh viên có sự quan tâm đến vấn đề sử dụng và tiết kiệm năng lượng, phát thải và hạn chế phát thải trong sản xuất, cũng như dần có nhận thức đúng đắn về mục tiêu phát triển bền vững trong ngành Dệt may hiện nay.

Phát triển bền vững đang là một xu thế tất yếu trong ngành Dệt may, trong đó sử dụng năng lượng sạch, thực hiện các trách nhiệm về môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra. Nhiều đối tác nước ngoài cũng bắt đầu đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn liên quan tới việc sử dụng năng lượng bền vững, trách nhiệm với môi trường, xã hội… khi quyết định hợp tác với doanh nghiệp trong nước.

Do đó, việc “xanh hóa ngành dệt may” hiện nay là một bước quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững đà tăng trưởng và mở ra những cơ hội trong tương lai cho các doanh nghiệp trong ngành.

Cuộc thi “Hành động vì khí hậu - xanh hóa ngành dệt may” có 35 đội đăng ký tham gia và 15 đội xuất sắc được chọn vào vòng chung kết. Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội ReTee (ý tưởng dự án thu gom chai nhựa sản xuất áo thun tái chế); Giải nhì được trao cho đội PEPF (ý tưởng sản xuất da thuần chay) và Giải ba được trao cho nhóm Dấu chân xanh (ý tưởng về các phương án tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành Dệt may, trong đó có việc sản xuất điện từ nước thải)…

Trước đó, Ban tổ chức đã triển khai khóa học về hành động vì khí hậu vào tháng 10/2022 cho 178 học viên và khóa học CAT về phát triển bền vững dành cho khối trường đại học.

Đây là một hoạt động trong chuỗi hoạt động thuộc Sáng kiến Cầu nối Doanh nghiệp - Đại học trong ngành Dệt May và Thời trang hình thành từ hợp tác giữa các trường đại học đào tạo ngành dệt may với dự án GIZ FABRIC Asia.

Bình luận