Câu chuyện chưa từng được kể về ngư dân ‘Vươn khơi bám biển’

(VOH) – 15 ngư dân Phan Thiết ra khơi nhưng chỉ còn 9 người trở về sau 12 ngày. Họ đã xoay trở ra sao? Câu chuyện chưa từng được kể về ngư dân ‘Vươn khơi bám biển’ tại Liên hoan Phát thanh 2022.

Dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 – 2022, Đài PT – TH Bình Thuận mang đến chương trình “Vươn khơi bám biển” với chủ đề “Về từ biển”. 

Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi hai biên tập viên là Nguyễn Toàn và Kiều Linh cùng khách mời là ông Huỳnh Quang Huy – chi cục trưởng, Chi Cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận. 

Câu chuyện chưa từng được kể về ngư dân ‘Vươn khơi bám biển’
BTV Nguyễn Toàn và Kiều Linh cùng khách mời ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng, chi cục thủy sản tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Khiêm Huân) 

Chương trình "Vươn khơi bám biển" kể về câu chuyện 15 ngư dân Phan Thiết ra khơi trên chiếc thuyền BTh 97874TS nhưng chỉ còn 9 người trở về sau 12 ngày giữa biển khơi. Một câu chuyện xúc động giữa lằn ranh sinh tử, về điều kỳ diệu và ý chí kiên cường của những ngư dân Bình Thuận can trường đã khiến khán, thính giả vô cùng xúc động. 

Đài PT – TH Bình Thuận đã kết nối chương trình với anh Bùi Văn Toàn – thuyền trưởng BTh 97874TS cùng các bạn thuyền viên may mắn sống sót để chia sẻ về nỗ lực kéo dài sự sống, kinh nghiệm sinh tồn trong 12 ngày lênh đênh trên biển. 

Câu chuyện chưa từng được kể về ngư dân ‘Vươn khơi bám biển’
Đài PT – TH Bình Thuận đã kết nối chương trình với anh Bùi Văn Toàn – thuyền trưởng BTh 97874TS cùng các bạn thuyền viên may mắn sống sót. (Ảnh: Khiêm Huân)

Khi phát hiện có cơn lốc, chúng tôi bơm nước không kịp trong màn đêm gập ghềnh sóng biển. Sóng lớn đánh tàu chìm, nhanh lắm. Tụi tôi bỏ 2 cái thúng xuống, thúng lớn 8 người, thúng nhỏ 7 người. Tôi chỉ suy nghĩ làm cách nào cứu các anh em, người còn sống cái đã” , anh Bùi Văn Toàn – thuyền trưởng BTh 97874TS chia sẻ. 

Trong 10 phút trước khi tàu chìm, anh Toàn bình tĩnh leo lên lấy được thùng mì tôm với mấy chai nước ngọt. Anh Toàn kêu gọi thuyền viên lên thúng, anh là người cuối cùng rời tàu”, anh La thuyền viên xúc động kể. 

Khi các anh em xuống thúng, 1,2 ngày đầu không có thuyền vớt, anh em chia sẻ 1 thùng mì tôm để giải đói. Sau đó, chúng tôi bắt cá sống sẻ từng miếng ăn, câu mực để dành ăn, phân nhỏ nhiều bữa và chia sẻ với các anh em”, anh Theo thuyền viên lắng giọng. 

Trong suốt những ngày lênh đênh trên biển, các anh em bạn thuyền chỉ uống nước mưa cầm hơi. Điều buồn nhất là khi người thân lần lượt ra đi, thuyền viên Nguyễn Thành Luyến bắt buộc phải thả thi thể người anh trai và chú ruột của mình xuống biển vì thi thể bốc mùi và thúng quá chật để còn có thể cứu các anh em còn lại. Những lời chia sẻ xúc động này đã khiến anh Toàn, các anh em thuyền viên và khán, thính giả vô cùng đau buồn. 

Ông Huỳnh Quang Huy xúc động chia sẻ: “Từng đi biển dài ngày trên tàu cá, tôi hiểu người ngư dân khi không còn thấy bến bờ, bạn mới thấy con thuyền của mình và chính con người của mình cô đơn và bé nhỏ đến nhường nào. Một nỗi sợ hãi mang tính bản năng, luôn hiện hữu đâu đó trong ý thức. Và nếu chỗ dựa duy nhất là chiếc thuyền không còn, tinh thần người ngư dân dễ bị tê liệt, lo sợ giữa biển nước dẫn đến nhiều người tử vong vì áp lực tinh thần”. 

Có thể thấy, ngư dân đi biển phải có tinh thần rất tốt, không bi quan, phải kiên cường, sáng tạo dù chỉ còn một chút hi vọng cũng không được bỏ cuộc. Bản lĩnh của người ngư dân trên biển vô cùng quan trọng. 

Ông Huỳnh Quang Huy khuyến cáo ngư dân đi biển cần chủ động chuẩn bị túi nhỏ cứu sinh trong đó phải có một cái gương soi, đèn lazer, một bịch lương khô để ứng biến nến không may gặp hoạn nạn giữa biển nước mênh mông.

Anh Nguyễn Toàn, Phó trưởng phòng Biên tập, Đài PT – TH Bình Thuận chia sẻ: “Chúng tôi đăng ký với ban tổ chức một tác phẩm khác. Tuy nhiên sau khi mọi việc đã được lên khuôn thì những ngư dân lần lượt trở về đất liền làm cho chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng, cảm thấy được niềm vui của cả một thành phố biển. Do đó, chúng tôi quyết định mang câu chuyện từ biển khơi đến với tất cả mọi người để chúng ta có thể hiểu về biển cả là như thế nào”. 

Mỗi ngư dân trên con tàu cá bám biển đều là trụ cột gia đình. Nghề biển đã gắn bó với họ từ nhỏ, nối tiếp nhiều thế hệ. Vẫn biết sanh nghề tử nghiệp, có thể gặp nguy hiểm, song các ngư dân vẫn quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương, gìn giữ truyền thống gia đình.